Hiệu quả lớn từ mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” 

(QĐND) - Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động đang tạo cơ hội cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới vươn lên trong học tập.

Sau một năm triển khai, hiệu quả thu được từ mô hình khá rõ nét, Bộ tư lệnh BĐBP đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị mở rộng phạm vi, đối tượng, số lượng, đồng thời tìm cách tháo gỡ những khó khăn để các cháu có điều kiện được học tập lâu dài.

Đổi thay những mảnh đời

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí. Năm 2014, Bộ tư lệnh BĐBP đã phát động Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trải qua hơn 5 năm triển khai, các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh, trong đó có hơn 800 cháu mồ côi, nhiều cháu là con liệt sĩ… Thời gian hỗ trợ các cháu là từ lúc nhận đỡ đầu đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, các đơn vị BĐBP đã cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ các cháu không ngừng tiến bộ về học tập, rèn luyện thể chất, dạy bảo các cháu từng bước khôn lớn, trưởng thành.

Hiệu quả lớn từ mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”
Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị chăm lo bữa ăn cho các con nuôi đồn Biên phòng.

Tuy nhiên, trong quá trình công tác, các đồn biên phòng đều nhận thấy tại các địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo... còn nhiều cháu ở vào cảnh mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ thất học. Từ đó, các đơn vị đã đề xuất với Bộ tư lệnh BĐBP xây dựng và triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, với mục đích nhận các cháu nhỏ mồ côi, con liệt sĩ, các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn… ở khu vực biên giới về nuôi dưỡng tại các đồn biên phòng. Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” được phát động từ tháng 6-2019, sau gần một năm triển khai, đến nay đã có 136 đồn biên phòng thuộc 27 bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố tham gia và nhận nuôi 318 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 171 cháu là người dân tộc thiểu số). Nói về những kết quả bước đầu của mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị BĐBP cho biết: “Quá trình triển khai mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Hiện nay, 318 cháu học sinh “Con nuôi đồn biên phòng” đang được các đơn vị chăm lo khá tốt. Ở tại các đồn, các cháu đang tiến bộ khá toàn diện”.  

Quá trình các cháu ăn, ở tại các đồn biên phòng được cán bộ, chiến sĩ chỉ bảo, kèm cặp trong sinh hoạt, học tập. “Ngay từ đầu, khi đơn vị xác định đón các cháu về nuôi dưỡng, chúng tôi đã thống nhất giao cho một cán bộ phụ trách việc sinh hoạt, học tập. Hằng ngày, bộ đội ăn như thế nào, các cháu cũng ăn như vậy. Sau gần một năm về làm con nuôi của đồn, các cháu có tiến bộ nhiều về thể chất, tinh thần và kết quả học tập”, Thượng tá Ngô Đức Tuyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Vao (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) phấn khởi cho biết.

Ngoài ra, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể và tình hình đơn vị, các đồn biên phòng bố trí cho các cháu tham gia hoạt động tập thể, vui chơi giải trí để bồi dưỡng kỹ năng sống, khuyến khích các cháu phát huy năng khiếu, sở trường để phát triển. Các đồn biên phòng cũng cử cán bộ giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng cháu.

Được tham gia các hoạt động chung cùng các chú BĐBP đã giúp các cháu mạnh dạn, tự tin hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Thông qua việc nhận nuôi các cháu, mối quan hệ giữa các đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, tạo thuận lợi trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. 

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Có thể nói, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” mang tính nhân văn sâu sắc, tạo điểm tựa vững chắc cho các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp sức cùng các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực biên giới. Mô hình này là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, nâng cao nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, Bộ tư lệnh BĐBP tiếp tục duy trì, mở rộng phạm vi, nâng cao số lượng các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đỡ đầu, nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình, các đơn vị cũng đã phát hiện những bất cập, khó khăn cần phải tháo gỡ. Cụ thể, ở các địa bàn có đồn biên phòng đóng quân thì số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn khá lớn, do đó việc bình xét, lựa chọn, đưa các cháu về đồn biên phòng nuôi dưỡng cũng gặp phải không ít áp lực. Điều khiến ban chỉ huy các đồn lo lắng nhất là việc bảo đảm sinh hoạt, học tập lâu dài cho các cháu. Bởi phần lớn các cháu chỉ có thể ăn ở, sinh hoạt tại đơn vị khi còn ở bậc tiểu học, trung học cơ sở. Còn khi các cháu học lên bậc THPT thì đều phải đi khá xa nên việc quản lý, chăm sóc của đơn vị sẽ gặp nhiều thách thức. Nói về điều này, Thượng tá Ngô Đức Tuyến chia sẻ: “Chúng tôi nhận cả 9 cháu trong một gia đình về nuôi ăn học. Các cháu sinh hoạt trong môi trường quân đội và đang rất tiến bộ. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các cháu phải ra trung tâm huyện học tập, thậm chí học đại học, cao đẳng thì nguồn kinh phí sẽ rất lớn và chắc chắn việc nuôi dưỡng sẽ gặp khó khăn”. Đây cũng là lo lắng chung của chỉ huy nhiều đồn biên phòng khác đang thực hiện mô hình "Con nuôi đồn biên phòng".

Trước trăn trở của cán bộ các đơn vị, đồng chí Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” của Bộ tư lệnh BĐBP đã thực sự là điểm tựa để những học sinh vùng cao, biên giới có cơ hội vượt qua hoàn cảnh, vươn lên học tập tốt hơn. Ngành giáo dục sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng BĐBP tháo gỡ khó khăn để các em học sinh có điều kiện thực hiện được ước mơ của mình. Trong trường hợp các em thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng phối hợp với BĐBP vận động các nhà trường, cộng đồng, doanh nghiệp bảo đảm cho việc học tập của những sinh viên đặc biệt này”.

VIẾT LAM - NGUYỄN LINH 

795 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 804
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 804
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77224873