"Hành lang Kinh tế Đông - Tây: Thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Vùng"  

Ngày 05/2/2023, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vùng. Đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã dự và có phát biểu tại hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố,

Kính thưa các đồng chí dự hội nghị,

Về dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; được sự cho phép của chủ trì Hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tôi xin được trình bày tham luận "Hành lang Kinh tế Đông - Tây: Thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Vùng".

Kính thưa các đồng chí,

Cũng như các địa phương khác trong vùng, tỉnh Quảng Trị rất phấn khởi khi Bộ Chính trị quan tâm ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Chúng tôi cho rằng đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất đầy nắng gió, thiên tai khắc nghiệt để có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã mở ra nhiều định hướng cho phát triển không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt là liên kết Vùng và cơ chế chính sách điều phối Vùng để thực hiện liên kết nội Vùng và thúc đẩy liên kết giữa các Vùng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực hợp lý, hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội, môi trường. Đặc biệt, tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) được Nghị quyết xác định là một trong những trục kinh tế kết nối quan trọng để tăng cường hợp tác phát triển của các địa phương trong vùng với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.

Kính thưa các đồng chí,

Hành lang Kinh tế Đông - Tây ra đời theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản từ năm 1998 với mục đích nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma. Phần tuyến hành lang trên lãnh thổ Việt Nam bắt đầu từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) qua Đông Hà đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) dài khoảng 250 km. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế mà Hành lang kinh tế Đông - Tây mang lại, trong những năm qua, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và các định chế tài chính quốc tế đã quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường 9 trên lãnh thổ Việt Nam và Lào, xây dựng cầu Hữu Nghị 2 nối Thái Lan và Lào. Chính phủ cũng đã quan tâm ưu tiên đầu tư đưa vào vận hành tuyến đường bộ cao tốc Túy Loan (Đà Nẵng) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đã đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Đây là những điều kiện và cơ hội thuận lợi để các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng mở rộng không gian liên kết trong phát triển về phía Tây.

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định “Tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, ASEAN”, “Đẩy mạnh hợp tác qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã tích cực phối hợp với tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào) xây dựng “Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam và Lào để trình hai Chính phủ đưa vào Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Lào trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Trị cũng đang tích cực triển khai dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy, cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, đường 15D kết nối cảng Mỹ Thủy và cửa khẩu quốc tế La Lay và các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác để tạo sự đồng bộ và phát huy hiệu quả tiềm năng liên kết vùng cả ở hai trục Đông - Tây và Nam - Bắc. Tỉnh Quảng Trị cũng đa vận động các doanh nghiệp Singapore tài trợ giúp các tỉnh Savannakhet, Salavan và Champasak của Lào xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (báo cáo với hội nghị hiện nay các tỉnh của Lào chưa lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội,  khi chúng tôi trao đổi vấn đề này, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào rất quan tâm và mong muốn triển khai sớm để rút kinh nghiệm nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác của Lào). Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng giúp cho các tỉnh khu vực Trung và Nam Lào đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng về khoáng sản, nông nghiệp, du lịch và cũng là mở rộng không gian phát triển cho Quảng Trị và một số tỉnh trong khu vực thông qua dòng chảy hàng hóa và khách du lịch qua các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.

Những năm gần đây các hoạt động đầu tư vào địa bàn huyện Sepon (nơi có Khu thương mại biên giới Đensavan) dọc theo tuyến Đường 9 phía Lào có nhiều chuyển động mới, một số dự án gia công sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu về cảng Đà Nẵng đưa sang Lào và xuất khẩu sản phẩm qua các cảng biển Việt Nam đã làm gia tăng nhanh chóng lượng hàng hóa và phương tiện qua cặp cửa khẩu Lao Bảo-Đensavan. Năm 2020 Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã làm thủ tục cho 17.262 tờ khai hàng hóa quá cảnh (tăng 53% so với năm 2019) với trị giá hàng hóa quá cảnh 8,9 tỷ USD. Năm 2021, trị giá hàng hóa quá cảnh 12,1 tỷ USD, số lượng container quá cảnh đạt 106.872 lượt. Hiện nay, mỗi ngày có trên 650 phương tiện vận tải xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo, trong đó trên 500 xe container hàng quá cảnh. Con số dự kiến sẽ gia tăng trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Nhiều cơ hội mới mở ra trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong đầu tư sản xuất và phát triển hạ tầng logistic phía Lào đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược đến với khu vực (Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu thương mại biên giới Đensavan (Savannakhet - Lào)); dự án đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo gắn với phát triển hạ tầng khu vực cửa khẩu Lao Bảo – Đensavan đang được Công ty Tập đoàn T&T, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Liên doanh Cienco6 – Coteccons- Thuận Việt và Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 68 đăng ký nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Tập đoàn Sakae Holdings (Singapore) hỗ trợ lập quy hoạch và đang khảo sát, nghiên cứu các dự án đầu tư tại Khu thương mại biên giới Đensavan.

Công ty tư vấn CT STRATEGIES (Hoa Kỳ) đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tỉnh Quảng Trị và Hải quan Lào về việc tư vấn, hỗ trợ hình thành các khu phi thuế quan và áp dụng mô hình khu phi thuế quan tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế như đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan đi EU, Hoa Kỳ và hàng hóa từ khu phi thuế quan các nước vào các khu phi thuế quan tại Lao Bảo - Đensavan.

Tháng 12/2021, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane-Boten-Côn Minh (Trung Quốc) khánh thành, lượng hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ do chi phí giảm khoảng 40% so vận tải đường bộ và thời gian vận tải được rút ngắn. Đã có một số doanh nghiệp các tỉnh phía nam xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường bộ Đông Hà-Lao Bảo-Vientiane và kết nối với đường sắt Vientiane-Côn Minh do chi phí vận tải thấp hơn so với vận chuyển ra Lào Cai xuất khẩu đi Côn Minh. Trong lúc hành lang kinh tế đông-tây (EWEC) bế tắc do tình hình an ninh phức tạp tại vùng biên giới Thái Lan - Myanmar nên cửa khẩu Myawaddy - Maesot giữa Myanmar và Thái Lan hạn chế hoạt động, một hành lang mới đã hé mở đầy hứa hẹn: hành lang GMS (Tiểu vùng sông Mekong) nối Việt Nam-Lào-Trung Quốc qua tuyến Đường 9

Tháng 9/2022, Chính phủ Lào đã phê duyệt nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Savannakhet - Lao Bảo dài 220km, Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch kéo dài tuyến đường bộ cao tốc hiện có (dài 1400km) từ Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan sang Lào-Việt Nam-Campuchia để gia tăng hoạt động thương mại với hy vọng sẽ đem lại thịnh vượng cho các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ, tuyến Đường 9 đang được xem là ưu tiên hàng đầu. Khu vực Lao Bảo-Đensavẳn có điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ,

Kính thưa toàn thể Hội nghị,

Để triển khai có hiệu quả các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết 168/NQ-CP, ngày 29/12/2022 của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực một số nội dung sau:

Thứ nhất, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với phát triển kinh tế biển, kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm quy hoạch hợp lý hệ thống cảng biển; điểm tiếp bờ của các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu cũng như phát triển các nhà máy điện khí trong các quy hoạch ngành Quốc gia.

Thứ hai, Đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavẵn (Savannakhet) đã được Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương. Kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thiện Đề án và ban hành các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để sớm đưa Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Đensavẵn (Savannakhet) vào vận hành.

Thứ ba, để khai thác hiệu quả cửa khẩu đường bộ quốc tế La Lay, kết nối các tỉnh miền Trung với cao nguyên Boloven trù phú và các di sản văn hóa du lịch các tỉnh Nam Lào; kính đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 15D nối Cảng Mỹ Thủy và Cửa khẩu quốc tế La Lay để kết nối với tuyến Quốc lộ 15B đã được phía Lào đầu tư xây dựng.

Thứ tư, kính đề nghị các tỉnh, thành trong khu vực, nhất là các tỉnh có đường biên giới với các tỉnh Trung và Nam Lào nghiên cứu, phối hợp trong xây dựng chiến lược liên kết vùng về phía Tây, mở rộng không gian hợp tác, liên kết cùng phát triển.

Trên đây là một số nội dung phát biểu của tỉnh Quảng Trị. Một lần nữa, kính chúc Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!

 

298 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 735
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 735
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77012716