Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ rõ những thách thức, tồn tại đối với ngành nông nghiệp hiện nay. Đó là việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Cùng với đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Đồng thời, quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp,…
Trên cơ sở nhận định tình hình ngành nông nghiệp trong năm 2019, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp trong năm 2020.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng: Tạo điều kiện để gắn kết giữa doanh nghiệp và chuỗi sản xuất
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng (Ảnh: PV) |
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, về hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT cùng với Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động phối hợp. Ngành Ngân hàng trực tiếp tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, qua đó, tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Thời gian tới, ngành Ngân hàng cùng với ngành NN&PTNT sẽ trực tiếp làm việc với một số địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp để gắn kết giữa doanh nghiệp và chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, kể cả thị trường xuất khẩu, đảm bảo ngân hàng đồng hành để giải quyết những vấn đề cần tháo gỡ, thúc đẩy hội nhập.
“Chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục là nơi đáp ứng vốn cho ngành nông nghiệp nông thôn” – Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển thị trường
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh:PV) |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một trong những điểm hạn chế hiện nay là công tác bảo vệ thị trường nội địa, đặc biệt trong các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này, rất cần sự chủ động của hai Bộ – Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các mặt hàng nông nghiệp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng với Bộ NN&PTNT để cùng đặt mục tiêu phục vụ cho các địa phương, cho người nông dân, cho các doanh nghiệp một cách có hiệu quả hơn thông qua các hội nghị, từ phổ biến kiến thức hội nhập đến xây dựng các đề án chiến lược ngành hàng.
Bộ Công Thương cam kết với các doanh nghiệp và các địa phương sẽ chủ động, bằng trách nhiệm của Bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ về phát triển thị trường cũng như tạo năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH: Cần có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các mặt hàng nông sản
|
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH (Ảnh: Vnexpress.net) |
Theo bà Thái Hương, nếu đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị vào một cách chuẩn chỉ cùng với các chỉ số, các bộ tiêu chuẩn đúng với thông lệ quốc tế thì sản xuất trong nước sẽ phát triển bền vững và người tiêu dùng được sử dụng hàng chất lượng. Đồng thời, khi xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ rất tự tin.
Là đơn vị duy nhất đến thời điểm hiện nay được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, TH mong muốn Bộ NN&PTNT cùng với Chính phủ xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đúng với thông lệ quốc tế không chỉ đối với mặt hàng sữa mà đối với tất cả các mặt hàng nông sản. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao giá trị của các ngành hàng nông sản./.
BT