Giữ vững “3 trụ cột” của ngành thủy sản  

(ĐCSVN) - Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị ngành thủy sản phải giữ vững 3 trụ cột: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến vai trò quan trọng của công tác thú y trong nuôi trồng thủy sản.
 
 

Sáng 6/7, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Đồng thời, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành thủy sản đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ước tính đến hết tháng 6/2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 2 triệu tấn (tăng 1%), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4%).

So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng đạt 104,3%, trong đó sản lượng khai thác đạt 106,8%, sản lượng nuôi đạt 102,3%. Và so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,6%; trong đó sản lượng khai thác đạt 51,9%, sản lượng nuôi trồng đạt 44,2%.

Đáng chú ý, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch.

Tôm và cá tra là hai mặt hàng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, về tôm nước lợ, do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đã từng bước được ổn định nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác đang tiếp tục có xu hướng giảm do các nước này vẫn chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ước sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020).

Về cá tra, kết quả sản xuất ước đến hết tháng 6/2021, sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 31/5/2021 đạt 637,9 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020 (556 triệu USD).

Giữ vững “3 trụ cột” của ngành

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành thủy sản sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của cả năm 2021. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn, bao gồm, sản lượng khai thác 3,85 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 4,75 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD.

Đóng góp ý kiến cho những vấn đề ngành thủy sản đang còn vướng mắc, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, đối với việc tháo gỡ thẻ vàng của EC, đây là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu mà còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giữ gìn môi trường. Do vậy, theo ông Toản cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa đến các địa phương, doanh nghiệp, bà con ngư dân để không chỉ chuyển nhận thức về mặt lý thuyết mà cần cùng thực hiện trong thực tế để tháo gỡ thẻ vàng.

Cũng theo ông Toản, trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận ở mức 4 tỷ USD, các ngành mũi nhọn như tôm và cá tra đều tăng về sản lượng và giá trị nhưng chúng ta không được chủ quan do trong 6 tháng cuối năm, bối cảnh quốc tế và dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiều yếu tố tác động lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp như: chi phí vận tải, container rỗng,…đang khó khăn dẫn đến chi phí cho sản xuất tăng.

Đồng thời, ông Toản cho rằng, trong bối cảnh không đi cơ sở được nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, coi đây là thành tố giúp cho ngành thủy sản hoàn thành các chỉ tiêu.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Như Văn Cẩn cho biết, hiện nay, tuy hạn mặn không còn nhưng mùa mưa bão đã đến, do đó, cần quan tâm đến các giải pháp để chủ động trong sản xuất. Đặc biệt, tại một số thị trường trên thế giới đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, chính vì vậy, cần có chỉ đạo để phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, cần tìm ra các phương án để các địa phương vào cuộc giám sát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản, đảm bảo vật tư đầu vào đạt chất lượng tốt, cung cấp cho người nuôi và quản lý được công tác này.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành thủy sản đạt được trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý đến một số vấn đề mà ngành thủy sản cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm để đạt được các mục tiêu chung đã đề ra.

Cụ thể, Thứ trưởng đề nghị ngành phải giữ vững 3 trụ cột: khai thác, nuôi trồng và bảo tồn. Về trụ cột khai thác, Thứ trưởng đề nghị cần bám sát chiến lược đã đề ra để đảm bảo về sản lượng khai thác, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai mục tiêu.

Thứ trưởng cũng đề nghị cần có các nghiên cứu về khoa học công nghệ để phục vụ thực tiễn sản xuất trong việc bảo quản, sơ chế, giảm tổn thất thu hoạch.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của công tác thú y trong nuôi trồng thủy sản. Do vậy, về vấn đề này, Thứ trưởng đề nghị Cục Thú y cần phải tập trung vào công tác này để từ đó có giải pháp hàng đầu cho phát triển thủy sản. Thứ trưởng khẳng định vấn đề an toàn sinh học, an toàn thực phẩm đều xuất phát từ công tác thú y.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý đến công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cần tập trung sâu vào vấn đề này. Trong đó, những vấn đề nào dễ làm trước, khó làm sau, đồng thời, nhân rộng những mô hình đã thực hiện tốt trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản./.

 
BT
240 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 696
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 696
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78088841