Giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ 

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 30 diễn ra vào chiều 22/2.
Giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ - Ảnh: VGP/ĐH

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm triển khai thi hành Luật, xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề về: đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ…

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành, giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về cảnh vệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Luật được xây dựng trên tinh thần quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác cảnh vệ. Xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về cảnh vệ của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Dự thảo Luật đã bám sát và cụ thể hóa các chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 9/2/2023, cụ thể gồm chính sách: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Đồng thời, qua quá trình nghiên cứu, rà soát, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất bổ sung chính sách mới và có báo cáo bổ sung đánh giá tác động chính sách theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cụ thể đánh giá bổ sung chính sách: "Quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng cảnh vệ không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại".

Giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ- Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ - Ảnh: VGP/ĐH

Nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới khẳng định, Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

Hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về thời gian trình, Thường trực UBQPAN thấy rằng việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật còn chậm, mặc dù đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) tại Nghị quyết số 89/2023/QH15, nhưng lại không bảo đảm thời gian gửi hồ sơ để thẩm tra theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội).

Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo tập trung tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm thời gian trình Quốc hội và gửi cơ quan thẩm tra theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN cho rằng, các chính sách nêu tại Tờ trình và các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần nghiên cứu để quy định ngay trong dự thảo Luật, không được ủy quyền quy định chi tiết; tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định chức danh Thủ trưởng cơ quan Cảnh vệ của Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan Cảnh vệ của Bộ Quốc phòng chưa thống nhất với hệ thống chức vụ, chức danh theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Dự thảo Luật cũng quy định chưa thống nhất chế độ cảnh vệ đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và cấp phó của Người đứng đầu Cơ quan lập pháp của các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ. Đa số ý kiến trong Thường trực UBQPAN nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình và điều chỉnh của dự thảo Luật; phù hợp với mục đích, quan điểm xây dựng Luật là thể chế đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ, vì hoạt động của đối tượng cảnh vệ không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn diễn ra ở nước ngoài, khi các đối tượng cảnh vệ đi công tác.

Nguyễn Hoàng

 
22 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 530
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 530
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78036615