Giá lợn hơi duy trì ở mức cao đã giúp nhiều hộ chăn nuôi có thêm thu nhập. Ảnh TC
Sau khi “chạm đáy” vào cuối năm 2016, từ đầu năm 2018 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường đã dần tăng lên. Đặc biệt, từ đầu tháng 5/2018, sau khi thiết lập mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua, giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao.
Qua khảo sát tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của bàn thành phố Hà Nội là: Ứng Hòa, Thanh Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên…, từ đầu tháng 6/2018 đến nay, mức giá lợn hơi được thu mua tại chuồng dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg; tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm giá lợn hơi ở mức thấp nhất. Giá lợn giống cũng tăng gấp đôi, thậm chí là 2,5 lần so với đầu năm 2018 nhưng nhiều chủ trang trại hiện vẫn chưa muốn bán ra vì cho rằng giá lợn giống sẽ còn tăng cao do nguồn cung hiện không nhiều.
Anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: Giá lợn hơi tăng cao thì người chăn nuôi lợn ai cũng phấn khởi. Nhưng thực tế sau khi giá lợn giảm mạnh gây thua lỗ cho người nuôi thì hiện nay lượng lợn thịt trong các nông hộ không nhiều. Như gia đình tôi cũng phải đi vay thêm tiền ngân hàng để duy trì đàn lợn trong hơn 1 năm qua. Nay giá lợn hơi tăng cao, tôi mới có tiền để thanh toán cho ngân hàng.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn và các sản phẩm từ thịt cũng tăng nhanh. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn đã tăng cao hơn so với hồi đầu năm. Cụ thể, giá thịt vai đang ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, thịt mông khoảng 95.000 – 105.000 đồng/kg; sườn 90.000 - 100.000 đồng/kg…
Có thể thấy, việc giá lợn hơi được duy trì ở mức cao như thời gian qua đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay đó là làm sao để tiếp tục duy trì sự ổn định của những tín hiệu tích cực này. Bởi trên thực tế, chăn nuôi vẫn chưa thực sự có được thị trường tiêu thụ ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, tại hầu hết các địa phương, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân nên thận trọng trong việc tái đàn, không ồ ạt mở rộng quy mô; chú trọng các mô hình chăn nuôi có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để hạn chế rủi ro.
Trước mắt, người chăn nuôi nên tăng cường cho lợn ăn uống đầy đủ để sớm xuất chuồng. Đồng thời, cần tận dụng tối đa lợn sữa sinh ra hiện nay để nuôi thành lợn thương phẩm. Đặc biệt, lưu ý việc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nhằm thu được thành quả cao nhất. Bà con cũng cần chú ý đến các tín hiệu biến động của thị trường bởi với đàn lợn hậu bị phải cần 15 tháng sau mới trở thành lợn thương phẩm để xuất bán./.
Trần Thị Chung