Fed hạ lãi suất tác động tích cực tới hoạt động kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) giảm lãi suất, tỉ giá hạ nhiệt thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Hơn nữa việc hạ lãi suất có tác động tích cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như thị trường vốn.
Fed hạ lãi suất tác động tích cực tới hoạt động kinh tế- Ảnh 1.
 

Đây là ý kiến của các chuyên gia tài chính, kinh tế khi phân tích về những tác động của việc Fed hạ 0,5% lãi suất ngày 18/9 vừa qua.

Cơ hội hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Việc giảm lãi suất là động thái khá mạnh, thường ở mức 0,25% nhưng lần này Fed khá "mạnh tay" giảm 0,5% gấp đôi các đợt tăng trước đây. Lần đầu tiên sau 4 năm, Fed thể hiện động thái nới lỏng tiền tệ với một trong những mục tiêu là phát triển kinh tế Mỹ.

Thời gian này, ở Mỹ, lạm phát đang được kiểm soát tốt, tuy ở mức trên 2% nhưng đang xu hướng giảm. Fed có lí do để khi giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho các DN sẽ tăng tỉ lệ người lao động, trong khi vẫn có thể kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Fed hạ lãi suất tác động tích cực tới hoạt động kinh tế- Ảnh 2.
 

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc Fed hạ lãi suất, giúp làm giảm áp lực tăng lãi suất VND, từ đó, Chính phủ, NHNN có điều kiện tiếp tục các chương trình lãi suất ổn định - Ảnh: VGP/HT

TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Việc giảm lãi suất sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. Có thể thấy rõ là việc giảm chênh lãi suất tiền VND và USD, từ đó, làm giảm áp lực lên tỉ giá. Nếu trước đây, lãi suất USD cao, trong khi lãi suất VND thấp thì có hiện tượng giá trị VND so với giá trị USD thấp (áp lực tỉ giá lên).

Ở chiều ngược lại chênh lệch lãi suất giảm đi, giảm áp lực lên tỉ giá. Do đó, vị chuyên gia tài chính dự báo, có thể từ nay đến cuối năm không chịu áp lực phá giá VND.

Điều đó có lợi cho ngoại thương và đầu tư ở mức hàng nhập khẩu của Việt Nam. Vì nếu tỉ giá ổn định thì ổn định giá nhập khẩu, từ đó không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát. Ngược lại khi tỉ giá không tăng, về lí thuyết có thể bất lợi cho xuất khẩu, nhưng nhìn rộng ra thì xuất khẩu vẫn tăng từ đầu năm. Về tổng thể, việc Fed lãi suất giảm sẽ làm giảm áp lực tỉ giá, làm giá hàng nhập ổn định, giảm bớt áp lực lên lạm phát của VND.

Về hoạt động đầu tư trên thị trường, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Việc tỉ giá VND ổn định sẽ bổ trợ khuyến khích hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Sau những phân tích trên, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Việc Fed hạ lãi suất, giúp làm giảm áp lực tăng lãi suất VND, từ đó, Chính phủ, NHNN có điều kiện tiếp tục các chương trình lãi suất ổn định, thậm chí giảm lãi suất bổ sung hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế.

"Nếu tính toán tác động việc áp lực tỉ giá và lãi suất USD giảm, có thể giảm lãi suất điều hành khoảng 0,5%, từ đó, giúp giảm các loại lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ các DN, nền kinh tế sớm hồi phục, ổn định", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh

Có cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng vào những tác động tích cực của việc Fed hạ lãi suất.

Thứ nhất, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của DN và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 25,4%, chiếm 29%; sang châu Âu 18,5%, chiếm 13% tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam…). Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Fed hạ lãi suất tác động tích cực tới hoạt động kinh tế- Ảnh 3.
 

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia

Thứ hai, Fed lãi suất giúp giảm áp lực tỉ giá. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,3-1,7% cả năm 2024.

Việc tỉ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi tác động không nhiều đổi với xuất khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế. Phân tích cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của khối DN FDI (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2022); theo đó, để xuất khẩu, khối DN này phải nhập khẩu tương ứng (chiếm khoảng 55% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam) cho dù tỉ giá thay đổi (khối DN này cũng có lợi thế về nguồn vốn USD từ công ty mẹ)...

Thứ ba, việc Fed giảm lãi suất giúp góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của DN tại Việt Nam. Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ (nhất là bằng đồng USD và EUR) giảm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung (trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng), giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới (theo NHNN, mức độ đô la hóa hay vay nợ bằng USD của Việt Nam hiện chiếm khoảng 6,4% tổng dư nợ cho nền kinh tế). Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và DN FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.

Thứ tư, lãi suất USD giảm, tác động tích cực đối với TTCK và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm, TTCK Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức. Khi Fed và NHTW các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm, xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất, sẽ giảm dần.

Hơn nữa, giá chứng khoán Việt Nam đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên bởi Tổ chức FTSE Russel trong năm 2025... Thực tế là từ đầu tháng 9/2024 đến nay, xu hướng mua ròng của NĐT ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.

Trong báo cáo chuyên đề vừa công bố, các chuyên gia Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá, việc Fed hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam.

Trước triển vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay OMO lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, và lần thứ 2 về 4,0% vào ngày 16/9. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp từng bước hạ lãi suất cho vay. Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục tăng tính ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này. Mới đây nhất là chỉ đạo hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão…

Anh Minh

44 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1341
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1341
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85295630