Đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản 

(Chinhphu.vn) – Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2 con số từ năm 2019, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Nhấn mạnh đất nước ta “tam sơn tứ hải nhất phần điền” (đồi núi chiếm ¾ diện tích), Thủ tướng cho rằng: Hội nghị là dịp để kiểm điểm xem việc ứng xử, sử dụng tiềm năng này ở mức độ nào và cần làm gì để phát huy tiềm năng của đất nước. Đây là hội nghị quy mô lớn đầu tiên về ngành gỗ được tổ chức, từ đó, thấy rõ kết quả đạt được, các tồn tại, bất cập và những vấn đề đặt ra.

Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đóng góp gần 16% vào GDP thì xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ chiếm đến 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp, đạt gần 8 tỷ USD trong năm qua.

Mức độ tăng trưởng bình quân của ngành gỗ qua 18 năm qua đạt 15% mỗi năm, cao hơn 5 lần so với tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đặc biệt, chúng ta có trên 4.500 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động trong toàn ngành, tạo ra giá trị bình quân trên 23.000 USD/lao động.

Theo dự báo, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Thủ tướng “đặt hàng” cao hơn

Cho rằng kết quả vừa qua là tốt, Thủ tướng cũng nêu rõ, cần khắc phục một số tồn tại, bất cập khi mà dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn.

Đơn cử như việc bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn gỗ đường kính nhỏ, non, chất lượng không đồng đều. Cam kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao. Thủ tướng cho biết, ông vừa ký một quyết định xuất cho tỉnh Thanh Hóa trên 50.000 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực. “Chúng ta phải trồng rừng tốt hơn với chính sách tốt hơn, trong đó có vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp chế biến gỗ”.

Bên cạnh đó, công nghệ trồng rừng, chế biến và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm còn mang tính thủ công, năng suất thấp. Đặc biệt việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu. Chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Chúng ta còn nhiều trăn trở khi nhiều mặt hàng hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước, Thủ tướng bày tỏ.

Nhấn mạnh bất cập về thực thi pháp luật về lâm sản, Thủ tướng tái khẳng định chủ trương: Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng làm cây công nghiệp.

Từ các kết quả ban đầu đạt được của ngành gỗ, Thủ tướng đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt, phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics tốt hơn nữa trong phát triển ngành gỗ.

Thủ tướng cho rằng, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Tức là, con số mà Thủ tướng đưa ra cao hơn con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra, để sự đóng góp của ngành gỗ cao hơn, nhiều hơn. Và những con số này không phải viển vông mà theo Thủ tướng, “tôi đã nghe ý kiến của các doanh nhân, các hiệp hội, các địa phương, đều có nguyện vọng phát triển này”.

Thủ tướng cùng các đại biểu thăm triển lãm nội thất gỗ trong khuôn khổ hội nghị, Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Kiên quyết không sử dụng gỗ rừng tự nhiên

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp, đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó, có điểm mới quan trọng là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển.

Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Nhấn mạnh việc đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, Thủ tướng chia sẻ câu thơ mà ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) vừa gửi cho Thủ tướng: “Làm nghề mộc phải có hồn thi sĩ, tìm ý thơ trên mặt gỗ vô tình”. “Gỗ thì vô tình nhưng nghệ nhân, thiết kế phải làm sản phẩm hấp dẫn hơn, thu hút hơn, từ đó giá trị gia tăng cao hơn”.

Đi liền đó là đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng.

Thủ tướng khuyến khích và đề nghị các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cần và các hiệp định thương mại tự do… là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới.

Tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp.

Cho rằng vai trò của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra.

“Có một vấn đề chúng ta rất quan tâm, là thương hiệu. Tất cả điều chúng ta muốn làm để đạt mục tiêu trên sẽ không có được nếu không có thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào, hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu.

Thủ tướng cho biết, sau hội nghị hôm nay, sẽ ban hành Chỉ thị để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững./.

Đức Tuân

404 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 875
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 875
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86331452