Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chiến sĩ cộng sản mẫu mực- nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng 

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9 tháng 7 năm 1912 ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng, được nuôi dưỡng ở vùng quê có bề dày văn hiến, kế thừa tinh thần hiếu học và yêu nước, ngay từ khi đang học trường Bưởi (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã hăng hái tham gia bãi khoá đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, dự lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh, tìm tòi nghiên cứu báo chí, tài liệu lý luận Mác-Lênin, Báo “Thanh niên” và sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

          Năm 1928, lúc mới 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội giới thiệu về hoạt động “vô sản hoá” ở mỏ than Vàng Danh. Tháng 6-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Mạo Khê sau đó, phát triển tổ chức đảng ở cơ sở đảng trên toàn vùng Mỏ, thành lập Đặc khu uỷ Mỏ. Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ, khôi phục các cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ-Trung Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 9/1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ. Tại Hội nghị lần thứ Năm (tháng 3-1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; năm ấy đồng chí mới 26 tuổi.

          Là một cán bộ và sau này giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng đồng chí đã có những cống hiến quan trọng ở một thời đoạn lịch sử mang tính bước ngoặc.

          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm 1937-1938 phong trào cách mạng của quần chúng lên cao. Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương mở rộng hoạt động, tổ chức nhiều cuộc mít tin lớn ở nhiều nơi, thu hút hàng chục nghìn người đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện dân sinh. Để chống phá phong trào cách mạng bọn tờ-rốt-kít, bọn mật thám cũng ráo riết hoạt động. Chúng công kích chủ trương của Đảng thành lập Mặt trận dân chủ, vu cáo Đảng ta rời bỏ lập trường giai cấp đi theo chủ trương cải lương. Chúng đề ra những khẩu hiệu cực “tả” nhằm lôi kéo một số ít công nhân, nhất là những thanh niên bồng bột. Trước tình hình đó, Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cùng Trung ương Đảng tổng kết những kinh nghiệm thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, lãnh đạo cuộc đấu tranh lột mặt nạ và cô lập bọn tờ-rốt-kít ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ, đồng thời tiến hành một cuộc tự phê bình và phê bình trong Đảng, nghiêm khắc phê phán những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và hữu khuynh, thoả hiệp vô nguyên tắc với bọn tờ-rốt-kít.

          Với bút danh “Trí Cường”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” xuất bản ngày 20/7/1939. Tác phẩm đã có tiếng vang lớn, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ Đảng và giáng cho bọn tờ-rốt-kít  một đòn chí mạng. Hàng ngũ của Đảng do đó được cũng cố hơn trước, quần chúng càng thêm tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cao trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển lên bước mới.

          Một trong những cống hiến quan trọng nữa của đồng chí  Nguyễn Văn Cừ là với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tháng 11-1939 đồng chí đã cùng Trung ương Đảng kịp thời nêu ra phương hướng chiến lược mới tập trung mũi nhọn cách mạng vào đế quốc và tay sai, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chuẩn bị bước tới cao trào cách mạng tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân; giải quyết đúng đắn mối quan hệ  giữa hai nhiệm vụ cơ bản phản đế và phản phong của chiến lược cách mạng tư sản dân quyền theo lối mới. Trước khi Hội nghị diễn ra, tình hình thế giới, trong nước đã thay đổi nhiều; nguy cơ chiến tranh đang đến gần. Trước tình hình đó, tại Hội nghị, Đảng ta phân tích sâu sắc tình hình thế giới và tính chất chiến tranh; dự báo khả năng phát-xít sẽ chuyển sang tấn công Liên –Xô do đó chiến tranh sẽ thay đổi tính chất. Hội nghị đã nhận định vị trí Đông Dương và chính sách cai trị ngày càng phản động của đế quốc Pháp, lại bị đế quốc Nhật lăm le xâm lược; phân tích tình hình xã hội- kinh tế và thái độ các giai cấp, tầng lớp ở Đông Dương; phân tích các đảng phái và xu hướng chính trị trên chính trường; vấn đề dân tộc, mối quan hệ về kinh tế và chính trị giữa các dân tộc, về chính sách áp bức và chia rẽ dân tộc của đế quốc Pháp, về phong trào dân tộc, về vị trí vấn đề dân tộc và thái độ của các giai cấp đối với vấn đề dân tộc.

          Trên cơ sở phân tích tình hình và dự báo chính xác triển vọng cách mạng, hội nghị Trung ương đã xác định: “… Các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đỗ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập. Đế quốc Pháp còn, dân chúng Đông Dương chết. Đế quốc Pháp chết, dân chúng Đông Dương còn”; “Phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”.

          Hội nghị  quyết định thay đổi một số khẩu hiệu, chuyển hướng hình thức tổ chức và đấu tranh, bàn một số chủ trương. Đặc biệt nhấn mạnh về công tác xây dựng Đảng phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất.

          Đây là một Hội nghị có ý nghĩa vạch thời kỳ. Nó đánh dấu bước chuyển hướng cực kỳ quan trọng  trong chỉ đạo chiến lược, sách lược sáng suốt và kịp thời của Đảng ta chuẩn bị đưa cách mạng lên cao trào trong chiến tranh thế giới thứ hai.

          Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bị địch bắt và ngày 28/8/1941, đồng chí bị quân thù xử bắn cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng ta.

          29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, thời gian đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư chỉ hơn 2 năm nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến to lớn cho Đảng, cho cách mạng, cho dân tộc, để lại dấu ấn lịch sử chói lọi mãi mãi không phai mờ trong quá trình cách mạng Việt Nam.

          Kỷ niệm 111 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc. Đồng thời, quyết tâm thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh”. Trí Ánh

 

262 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 705
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 705
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77375246