Đồng chí Ngô Thế Kiên – sáng mãi khí chất, bản lĩnh của người cán bộ cách mạng 

Đồng chí Ngô Thế Kiên tên khai sinh là Ngô Tứ Chức, bí danh là Thanh Danh, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1931, tại làng Nhỉ Thượng, xã Gio Mỹ (nay là xã Gio Hải), huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, trên quê hương giàu truyền thống yêu nước. Đồng chí sớm tiếp thu và giác ngộ tinh thần cách mạng từ thuở bé. Mới 14 tuổi, noi theo các bậc tiền bối ở quê hương, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng; và cùng với đoàn người mang theo băng cờ, biểu ngữ tiến về phủ lỵ giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương.

Từ tháng 8 năm 1945 đến  năm 1948, cảm phục về cậu bé tuổi nhỏ, chí cao, sáng dạ, tổ chức tin tưởng giao đồng chí làm Đội trưởng đội thiếu niên tiền phong xã, giáo viên bình dân học vụ, cộng tác viên bí mật của Công an xã. Từ tháng 01/1949 - tháng 6/1949, đồng chí làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Linh Phụng, huyện Gio Linh. Với tinh nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí đã đắm mình trong các phong trào đoàn, có nhiều đóng góp quan trọng trong chỉ đạo phong trào cách mạng của thanh niên địa phương.

Tháng 10 năm 1949, vừa tròn 18 tuổi, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Được lý tưởng của Đảng soi sáng, dẫn đường, đồng chí càng năng nỗ, nhiệt tình trong các phong trào cách mạng.

Từ tháng 6 năm 1949 đến năm 1954: Đồng chí được phân công làm việc tại Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính xã Linh Phụng, huyện Gio Linh; sau đó làm Bí thư Đảng đoàn chính quyền, Uỷ viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã Linh Hòa, rồi Phó Bí thư Chi bộ xã Linh Hoà, huyện Gio Linh. Trên mỗi vị trí công tác, đồng chí luôn làm việc tận tâm, trách nhiệm, góp phần vào công cuộc kháng chiến ở quê nhà.

Để tạo nguồn cán bộ cho địa phương, đầu năm 1954, đồng chí được tổ chức lựa chọn cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Sau gần 02 năm miệt mài học tập, rèn luyện, say mê nghiên cứu, đồng chí đã trang bị thêm cho mình vốn kiến thức, hiểu biết sâu hơn về lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng. Hoàn thành khoá học, đồng chí được giữ lại công tác tại Hà Nội, kinh qua các công việc như: Cán bộ thẩm kê phụ trách mật phí Bộ Tài chính, cán bộ giảng dạy trường Kinh tế - Tài chính Trung ương, cán bộ giảng dạy trường Thương nghiệp Trung ương; Phụ trách phòng giáo vụ Trường Thương nghiệp Trung ương. Dù trong công tác chuyên môn hay khi đứng trên bục giảng, đồng chí luôn là một người cán bộ, người thầy giáo mẫu mực, tâm huyết, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong bàn bè, đồng chí, đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên.

Được công tác ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa là ước mơ, niềm tự hào; nhưng quê hương đang bị quân thù giày xéo, đồng chí đành dặn lòng, tạm biệt vợ trẻ, con thơ, xung phong vào lại chiến trường miền Nam. Năm 1959, đồng chí trở về quê hương Quảng Trị. Nhận nhiệm vụ tại Huyện uỷ Gio Linh, làm cán bộ phụ trách xây dựng cơ sở vùng Đông Gio Linh (khu Đông). Sau đó là Huyện uỷ viên, Chánh Văn phòng Huyện uỷ. Tháng 01/1962, đồng chí được điều động vào cơ quan Tỉnh uỷ, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Trị.

Từ năm 1962 - 1967, đồng chí làm Uỷ viên Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Quảng Trị; Hiệu phó Trường Đảng tỉnh Quảng Trị; Phó Bí thư Đảng uỷ các cơ quan tỉnh. Trong thời gian này, đồng chí có được Tỉnh uỷ cử về tham gia cùng Huyện uỷ Gio Linh, Huyện uỷ Cam Lộ. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng ở Quảng Trị được mở ra, phát triển. Để kịp thời truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng chí đã xung phong về các địa bàn, về với dân để nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các quyết sách quan trọng; góp phần đưa đến thắng lợi vang dội phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng năm 1964.

Từ năm 1967 - tháng 4/1975, đồng chí công tác tại Văn phòng Khu uỷ Trị Thiên - Huế, làm cán bộ nghiên cứu, rồi Phó Chánh Văn phòng Khu uỷ.

Đất nước thống nhất, từ tháng 5/1975 - tháng 4/1976, đồng chí được phân công làm Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, từ tháng 5/1976, đồng chí giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ, sau đó giữ chức vụ Quyền Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; Tỉnh uỷ viên, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ. Trong thời kỳ này, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo Văn phòng, xây dựng tập thể Văn phòng Tỉnh uỷ đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu, phục vụ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên. Bằng năng lực qua thực tiễn công tác, đồng chí xây dựng hình ảnh về người cán bộ lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ mẫn cán, tận tâm, chu đáo, trách nhiệm, có nhiều sáng kiến trong công việc, được các thể hệ lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên ghi nhận và đánh giá rất cao.

Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Trị lập lại, đồng chí được phân công làm Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị. Trong bộn bề công việc của những ngày đầu lập lại tỉnh, với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã làm tốt chức năng tham mưu, chủ động đề xuất, có những đề xuất sắc sảo, góp phần tham mưu lãnh đạo tỉnh ổn định tình hình về mọi mặt, tạo niềm tin với Tỉnh uỷ, với cán bộ, đảng viên.

Từ tháng 4/1990, đồng chí được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công giữ chức vụ Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đây là thời kỳ công tác Tuyên giáo cả nước nói chung và công tác Tuyên giáo ở tỉnh Quảng Trị nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo Ban lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, định hướng thông tin; tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ ủy nhiều giải pháp quan trọng, góp phần ổn định tình hình tư tưởng, củng cố, giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những đống góp của đồng chí với ngành Tuyên giáo đã để lại nhiều tình cảm, sự kính trọng sâu sắc trong cán bộ, đảng viên các thế hệ ở cơ quan.

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hơn 80 năm chiến đấu, công tác, trải qua nhiều chức vụ, đồng chí luôn tỏ rõ khí chất, bản lĩnh của người cán bộ cách mạng, cống hiến hết mình cho địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác do các cấp, các ngành trao tặng. Thu Hà, Ngọc Tuấn (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

67 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 580
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 580
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85938476