Đề xuất quy chế quản lý tài chính VTV 

(Chinhphu.vn) – Dự thảo Quy chế quản lý tài chính đối với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý.

 

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, vốn của VTV bao gồm: Vốn của Nhà nước đầu tư vào VTV, vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của VTV, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, các cá nhân trong và ngoài nước, các hình thức huy động khác mà pháp luật không cấm, vốn do VTV đầu tư vào các doanh nghiệp khác, các loại vốn khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

VTV có trách nhiệm bảo toàn vốn của Nhà nước, thực hiện chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, chế độ phân phối lợi nhuận, chế độ kế toán theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính đối với VTV và quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm hoạt động của VTV.

Đồng thời, xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất, các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định và được trích lập các khoản dự phòng rủi ro sau: Dự phòng giảm giá hàng tồn kho; dự phòng các khoản phải thu khó đòi; dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.

VTV mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật và các biện pháp khác để bảo toàn vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, VTV được chủ động sử dụng vốn và tài sản do VTV quản lý để kinh doanh, đầu tư, thực hiện các lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý sử dụng bảo toàn và phát triển vốn. VTV trực tiếp quản lý vốn, nguồn vốn đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Đài; vốn do Đài đầu tư vào các doanh nghiệp do Đài làm chủ sở hữu và vốn do Đài đầu tư vào các doanh nghiệp khác.

Trường hợp sử dụng các quỹ do Đài quản lý khác với mục đích sử dụng quỹ đã quy định thì phải đảm bảo đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu chi của các quỹ đó khi có nhu cầu sử dụng.

Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư phải theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư. Việc sử dụng vốn do huy động để kinh doanh, dịch vụ của VTV thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không làm thay đổi hình thức sở hữu.

Đối với nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao, trên cơ sở dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, VTV có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quản lý vốn Nhà nước đầu tư ra ngoài VTV

VTV được phép sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của Đài để đầu tư ra ngoài Đài; việc đầu tư ra ngoài VTV phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của Đài. Việc đầu tư vốn ra ngoài VTV nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

Các hình thức đầu tư vốn ra ngoài VTV gồm: Đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động; đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; đầu tư vốn Nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.

Thực hiện quản lý vốn Nhà nước của VTV tại doanh nghiệp khác thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn hoặc cổ đông hoặc người góp vốn và việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước của VTV.

Doanh thu của VTV

Theo dự thảo, doanh thu và thu nhập của VTV được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật hiện hành.

Doanh thu bao gồm doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh quảng cáo, dịch vụ và doanh thu hoạt động tài chính của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Đài, trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh quảng cáo và dịch vụ gồm: Doanh thu từ các hoạt động kinh doanh quảng cáo; doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình, internet và dịch vụ khác; doanh thu từ các hoạt động do nhà nước đặt hàng; doanh thu từ hoạt động liên doanh, liên kết; doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản; doanh thu từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; doanh thu khác.

Doanh thu từ hoạt động tài chính bao gồm: Các khoản thu phát sinh từ tiền bản quyền, tiền lãi từ việc cho vay vốn, lãi tiền gửi; lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi cho thuê tài chính; chênh lệch lãi do bán ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; chênh lệch lãi chuyển nhượng vốn và lợi nhuận được chia từ việc đầu tư vào doanh nghiệp thuộc VTV và đầu tư vào doanh nghiệp khác; các khoản thu từ hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Thu nhập khác gồm các khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, tài sản thừa do kiểm kê, thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng, tiền phạt vi phạm bản quyền và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Doanh thu và thu nhập khác để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo nêu rõ, lợi nhuận của VTV sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau: Trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng tiền lương thu nhập bình quân thực hiện trong năm; phần còn lại bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của VTV.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn
600 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 226
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 226
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86330188