Đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trên môi trường mạng xã hội 

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên quyết đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Cuộc đấu tranh này được tổ chức một cách bài bản, khoa học, không có vùng cấm, xử lý thấu đáo, nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao.

Tuy nhiên, trên môi trường mạng xã hội, một số thế lực thù địch lại tung ra luận điệu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng tham nhũng, tiêu cực, là “phổ biến” và “tất yếu” của chế độ một đảng”. Đây vẫn là thủ đoạn xuyên tạc quen thuộc “lấy bé xé ra to”, lấy hiện tượng quy thành bản chất để phủ định những gì chúng ta đã và đang làm được nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta có đầy đủ lý lẽ và chứng cứ thực tiễn để bác bỏ luận điệu này.

- Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ sự nguy hại và đánh giá đúng thực trạng, tình hình tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên:

Tham nhũng, tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tha hóa biến chất luôn là những hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tham nhũng là một trong những biểu hiện của suy thoái, tha hóa, biến chất và nó là hiện tượng nghiêm trọng nhất. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tham nhũng là “giặc nội xâm” và Người yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh chống kẻ địch nguy hiểm này cùng với các căn bệnh khác như tha hóa, thoái hóa, biến chất. Đảng ta xác định tham nhũng cùng với tha hóa, biến chất là một trong những “nguy cơ lớn” đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.

Nhận rõ sự nguy hại của tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất, trong các kỳ đại hội Đảng, nhất là những đại hội vừa qua, Đảng ta đã luôn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ phòng, chống các loại tệ nạn này. Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu rõ “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng bộ máy lãnh đạo quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ nạn tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”. Đại hội XII của Đảng xác nhận: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi…”. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.

Những đánh giá của Đảng rất công khai, nghiêm túc, thể hiện bản lĩnh của Đảng nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất mức độ và tác hại của các hiện trạng tiêu cực vẫn đang diễn biến phức tạp. Đây là sự nhìn nhận khách quan, việc xác định một bộ phận không nhỏ là sự đánh giá định tính nhưng rất chính xác.

- Đảng và Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đã đạt được những kết quả tích cực:

Nhận thức rõ tham nhũng, tha hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ làm suy yếu Đảng, giảm quyền lực của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chung của đất nước, Đảng và Nhà nước có quyết tâm chính trị cao trong việc phòng, chống các biểu hiện tiêu cực này. Bởi vậy việc phòng, chống tham nhũng, tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đảng ta đã xác định nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng. Tại các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng ta thường xuyên ban hành các nghị quyết liên quan đến phòng, chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất. Đại hội XII của Đảng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó điều đầu tiên là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”.

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trưởng của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống các tệ nạn này; Các cơ quan chuyên trách được kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động và phát huy hiệu quả. Cùng với những giải pháp quyết liệt trong nước, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều văn bản pháp lý quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực cảu cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất đã đạt được những kết quả tích cực.

- Tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất về nhân cách là “quốc tế nạn” chứ không phải ở chế độ một đảng cầm quyền:

Quy luật của tự nhiên và xã hội là luôn có sự phát triển không đồng đều. Trong một khu rừng, cùng một loại cây hoặc muông thú nhưng nhất định có cá thể mạnh, yếu và khuyết tật. Ngay trong một cây rất tươi tốt cũng có cành mục, cành khô. Trong đời sống xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Tham nhũng và suy thoái, tha hóa nhân cách cũng vậy, ở đâu cũng có thể có nhưng không thể là phổ biến ở bất cứ chế độ nào. Tham nhũng, tha hóa biến chất về nhân cách của những phần tử xấu lại có chức, có quyền là căn bệnh nan y đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Tham nhũng, suy thoái là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia khi quyền lực nhà nước bị thao túng, lợi dụng để trục lợi. Đây là “quốc tế nạn” ở mọi thể chế chính trị. Chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng suy thoái, thoái hóa trong đội ngũ cán bộ. Nhiều quốc gia không phải đảng cộng sản cầm quyền như Hàn Quốc, Malaysia, Colombia, Brazil, Ukraine… tham nhũng xảy ra rất nghiêm trọng.

Như vậy, chúng ta có đủ căn cứ để bác bỏ luận điệu “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng tham nhũng, tiêu cực là cái “phổ biến” và “tất yếu” của chế độ một đảng”. Luận điệu này hết sức xảo trá, méo mó về lý luận và lệch lạc về thực tiễn nên không thể lừa dối được ai.

Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quyết liệt trong điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, nhất định cuộc đấu tranh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt nhiều thắng lợi, Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, sự nghiệp cách mạng của chúng ta nhất định thành công./. Phan Văn Lãn

617 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 956
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 956
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76999477