Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017. Ảnh: VA

Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017.

Trong buổi sáng, Chính phủ tập trung vấn đề xây dựng thể chế, nghe các cơ quan báo cáo dự án luật an ninh mạng, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục thể thao, báo cáo đề xuất Chính phủ về việc xây dựng nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Đặc biệt Chính phủ cũng nghe, thảo luận, cho ý kiến đề án quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì báo cáo.

Cũng tại phiên họp hôm nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo với Chính phủ kết quả kiểm tra từ đầu năm tới 31/7/2017. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 13.137 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, đã hoàn thành 7.044 nhiệm vụ, còn 6.093 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 2.367 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 3,2%, tăng 0,4% so với tháng 6. Tổ công tác đã kiểm tra chuyên đề tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; 13 bộ, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; kiểm tra liên quan đến thực hiện nhiệm vụ các tổng công ty, tập đoàn; tới đây sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Tại phiên họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi liên quan đến việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên, hiện nay bà Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc. Vậy Chính phủ sẽ xem xét xử lý trường hợp của bà Kim Thoa như thế nào, sẽ đồng ý cho thôi chức hay kỷ luật miễn nhiệm chức vụ của bà Thoa? Vấn đề thứ hai liên quan đến tài sản của bà Thoa thì sẽ được xem xét cụ thể như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp và có đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Thứ trưởng Bộ Công Thương thuộc diện Ban Bí thư quản lý, nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này. Riêng đối với Chính phủ thì Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện đúng quy trình nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ngày 31/7, Ban Cán sự Đảng Chính phủ nhận được báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương về đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Hiện Thủ tướng đang giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ xem xét đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ. 

Tuy nhiên, theo Luật công chức, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì không được chấp nhận thôi việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định. Với tài sản của bà Thoa, theo Bộ trưởng, nếu không có vi phạm pháp luật, tài sản hình thành chính đáng, hợp pháp thì nhà nước sẽ không thu hồi. 

Câu hỏi cho đại diện lãnh đạo Ngân hàng, sau khi ông Trầm Bê bị khởi tố và bắt giam thì lãnh đạo Sacombank cho biết ông Trầm Bê đang nợ Sacombank tới 43.000 tỷ đồng. Đề nghị ngân hàng cung cấp thêm thông tin về vụ việc này và đặc biệt là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại? Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời khá ngắn gọn: “Vụ án này đang được các cơ quan pháp luật xử lý, vì vậy những thông tin liên quan sẽ được cơ quan pháp luật cung cấp trong quá trình xử lý vụ việc này”./.

Mỹ Anh