Đại biểu Quốc hội đề nghị cắt giảm hơn nữa các khoản chi không cần thiết 

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, các giải pháp Chính phủ đề ra là khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế và cần cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại thảo luận
Họp phiên toàn thể tại Hội trường vào sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch.

Thống nhất với các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 mà Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, các giải pháp Chính phủ đề ra là khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đại biểu đề nghị, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, đầu tư cho y tế cấp cơ sở. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh tiến độ giải ngân, đầu tư cho phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông vận tải có tính liên kết vùng, liên kết khu vực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, song đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, công tác phòng, chống dịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, nhất là công tác dự báo tình tình dịch bệnh. Việc ban hành các quy định, thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa nhất quán, tỉ lệ tiêm vaccine còn thấp; người lao động tự phát về quê đông, tiềm ẩn rủi ro bùng phát dịch bệnh… Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, kịp thời bổ sung, điều chỉnh để có các cơ chế, chính sách nhất quán từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm thực sự thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam) cũng nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. Đó là việc áp dụng chính sách thiếu tính đồng bộ, nhất quán ở một số địa phương, dẫn đến mỗi địa phương áp dụng một kiểu, làm một kiểu, gây ách tắc lưu thông, thiệt hại về kinh tế. Cùng với đó là áp dụng công nghệ về phòng, chống dịch, khai báo y tế thiếu đồng bộ đã gây khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) cho rằng diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong những ngày gần đây đòi hỏi cần có sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “mục tiêu kép”; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn tình hình để bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Khẳng định chủ trương, chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 được Chính phủ đề ra là xu thế tất yếu và phù hợp với thực tiễn tình hình hiện nay, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các giải pháp để nhanh chóng bao phủ vaccine toàn dân; sớm phổ biến rộng rãi các thuốc đặc trị trong chữa trị bệnh nhân COVID-19 mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm để sớm có vaccine được sản xuất trong nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc dạy và học trực tuyến là tất yếu, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị các bộ, ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo nâng cấp đường truyền, bảo đảm chất lượng hoạt động dạy và học trực tuyến. Gắn liền với đó, cần chú ý xây dựng các chương trình phầm mềm, giáo trình dạy và học trực tuyến phù hợp với thực tế tình hình hiện nay, bảo đảm chất lượng và hiệu quả dạy và học.

Đồng tình với các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ đề ra cho năm 2020, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ), Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề nghị trong kế hoạch cần quan tâm hơn nữa đến việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác xã, kinh tế thập thể, các công ty nông lâm nghiệp... Cùng với đó, cần có các giải pháp hiệu quả hơn trong tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, nhất là vấn đề về quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quản lý, sử dụng đất.

Một số ý kiến đề nghị cần đề cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống dịch; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, sợ chịu trách nhiệm.

Với tình trạng chuỗi sản xuất, cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy cùng với sự thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất dẫn tới sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam, nhiều ý kiến cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ trong vận chuyển sẽ còn tiếp diễn. Trong giai đoạn tới, cần sớm có giải pháp căn cơ để tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn, không để mất các đơn hàng cung ứng, xuất khẩu, không để quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết tình trạng ứ hàng cục bộ, giá thu mua nông sản thấp, giảm sâu nhưng giá bán tới người tiêu dùng không giảm, thậm chí tăng cao; hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nông dân, hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa.

Hải Liên

121 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 774
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 776
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77443629