Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng góp phần làm gia tăng CPI 2 tháng đầu 2023 (Ảnh: HNV) 

Lý giải về nguyên nhân gia tăng CPI, Tổng cục Thống kê cho rằng là do giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, so với cùng kỳ 2022, CPI tháng 02/2023 tăng 4,31%, so với tháng 12/2022, CPI tháng 2 tăng 0,97. So với tháng trước, CPI tăng 0,45%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 02/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 2,62% so với cùng kỳ 2022; bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,1%.

Đồng đô la Mỹ tháng 02/2023 trên thị trường thế giới tăng sau khi FED thông báo nâng lãi suất đưa mức lãi suất lên mức 4,5%-4,7% và chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 của Mỹ được công bố. Tính đến ngày 25/02/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,41 điểm, tăng 0,49% so với tháng trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê  

Cũng trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.740 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2023 tăng 0,2% so với tháng trước do nguồn cung bảo đảm; tăng 3,67% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,42%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê còn cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; giá các mặt hàng thực phẩm; học phí giáo dục tăng do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, đồng thời vào năm học 2022-2023 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí. Rồi phải kể đến giá điện sinh hoạt bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 3,04% so với cùng kỳ 2022; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2023 tăng 2,19% so với cùng kỳ 2022. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch 2 tháng đầu năm tăng 5,02% so với cùng kỳ 2022.

Nguồn: Tổng cục Thống kê  

Bên cạnh các nguyên nhân gia tăng, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm 2023 được chỉ ra là: giá xăng dầu trong nước giảm 7,14% so với cùng kỳ 2022; chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông bình quân 2 tháng giảm 0,24% so với cùng kỳ năm 2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 02/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%). Lý do chủ yếu do từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 giá xăng dầu liên tục giảm (thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản) là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI./.

 
Hà Anh