Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay 

Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Là cơ sở để xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản và có nhiều cách làm mới để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển đảng viên, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục theo Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên.

Một số kết quả bước đầu:

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, nhất là để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Chỉ thị số  33-CT/TW, ngày 18/32019,  về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.  

Bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Từ năm 2013 đến nay, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai kịp thời, hiệu quả, như: Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 15/3/2013, “Về việc tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên”; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014, “Về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn”. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong giai đoạn hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 07/5/2021 “Về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong tình hình mới”.

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc trong đó có 10 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố, 01 đảng bộ khối, 03 đảng bộ lực lượng vũ trang; với 495 tổ chức cơ sở đảng gồm 256 đảng bộ cơ sở, 239 chi bộ cơ sở; 19 đảng bộ bộ phận và 2.206 chi bộ trực thuộc với 48.694 đảng viên, chiếm 7,22% dân số toàn tỉnh. Trong đó: đảng viên nữ: 19.151, chiếm 39,09%; đảng viên dự bị:1.469, chiếm 3,0%; đảng viên là người dân tộc thiểu số: 3.781, chiếm 7,72%; đảng viên là người theo tôn giáo: 140, chiếm 0,29%; đảng viên là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: 9.471, chiếm 19,33%; đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân: 101, chiếm 0,21%; đảng viên làm các ngành nông, lâm, ngư nghiệp 8.286, chiếm 16,92%; đảng viên là học sinh: 02, chiếm 0,004%; đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt Đảng 3.475, chiếm 7,095; tuổi đời bình quân của đảng viên: 45,72 tuổi. (1)

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên, cơ cấu đội ngũ đảng viên chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đại đa số đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định đường lối đổi mới đất nước, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy về phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Các cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về Đảng, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong trào thi đua yêu nước nhằm tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, giúp đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xem xét giới thiệu kết nạp vào Đảng.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp với chủ doanh nghiệp, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ phù hợp với tình hình doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh. Phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng từng bước được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được tính lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các tổ chức đảng mới thành lập trong doanh nghiệp đã kịp thời xây dựng quy chế hoạt động của cấp ủy, chi bộ; qua mỗi nhiệm kỳ đều có sửa đổi, bổ sung vừa đảm bảo theo đúng nguyên tắc Điều lệ Đảng, vừa phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp. Trách nhiệm, quyền hạn của cấp uỷ, tổ chức đảng, mối quan hệ giữa tổ chức đảng với các tổ chức chính trị - xã hội, với các bộ phận trong doanh nghiệp được duy trì tốt. Cấp ủy, chi bộ đã lãnh đạo đảng viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, cùng với người lao động đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động của tổ chức đảng ngày càng hiệu quả và góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đa số cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chi bộ, đảng bộ cũng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ, công nhân viên, người lao động phấn đấu. Đồng thời các chi bộ làm tốt công tác phân công đảng viên theo dõi, phát hiện, giúp đỡ quần chúng, đề xuất ý kiến nhận xét, định kỳ báo cáo trước chi bộ về sự phấn đấu rèn luyện của quần chúng để chi bộ lựa chọn xem xét, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để  tổ chức xem xét kết nạp  đúng quy định của Đảng

Với những cách làm cụ thể, sát thực, công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 Toàn tỉnh hiện có 3.870 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm trên 80% với trên 40.000 lao động; có 64 tổ chức đảng, chiếm 1,65% trong tổng số doanh nghiệp, trong đó: công ty cổ phần 39, công ty trách nhiệm hữu hạn: 09, doanh nghiệp tư nhân: 09, với 676 đảng viên. Trong nhiệm kỳ 5 năm 2015-2020, toàn Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã thành lập mới được 25 tổ chức đảng và kết nạp mới 765 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; chỉ tính riêng từ năm 2020 đến năm 2022 kết nạp được 52 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, cụ thể: năm 2020 kết nạp được 18 đảng viên, năm 2021 kết nạp được 19 đảng viên và năm 2022 kết nạp được 15 đảng viên) (2).

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 56 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 11,11%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 149 doanh nghiệp, tăng 22,13%. Số doanh nghiệp giải thể là 10 doanh nghiệp, tăng 25%, số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 51 doanh nghiệp, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 22,47%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. (3).

Trình độ của đội ngũ đảng viên mới kết nạp từng bước được nâng lên. Qua đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hàng năm, số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp được đánh giá, xếp loại từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên chiếm trên 90% .

Với những những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong những năm gần đây đã được các cấp uỷ quan tâm, tuy số lượng đảng viên kết nạp chưa nhiều nhưng nhận thức của cấp uỷ về kết nạp đảng viên đối với chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có sự thay đổi, góp phần tăng cường củng cố tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Các chủ doanh nghiệp và công nhân lao động có sự giác ngộ về chính trị, tích cực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Những đảng viên được kết nạp trong các doanh nghiệp đã phát huy được tính tiên phong gương mẫu, tạo ra được phong trào thi đua trong học tập và lao động sản xuất.

Những vấn đề đặt ra

Mặc dù công tác phát triển đảng viên được cấp uỷ các cấp coi trọng, tuy nhiên do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, chưa chú trọng đến việc giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên. Công tác rà soát, nắm danh sách, đánh giá số lượng, chất lượng nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng chưa chặt chẽ, triệt để. Vai trò của các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp chưa rõ khi tham gia bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng là đoàn viên, hội viên của mình. Mặc dù công tác phát triển đảng viên được cấp uỷ các cấp thường xuyên đôn đốc thực hiện, tuy nhiên việc kết nạp đảng viên trong những năm gần đây không đạt chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Nếu như nhiệm kỳ 2015-2020, số đảng viên được kết nạp bình quân hàng năm trên 1.600 đảng viên /năm (chỉ tiêu từ 1.400 đến 1.500 đảng viên/năm) thì 02 năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, bình quân kết nạp được 1.122 đảng viên/năm, chưa đạt chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. (4)

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp có lúc còn chưa kịp thời, do đó chưa phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp. Nguồn quần chúng để xem xét nạp vào Đảng trong các doanh nghiệp mặc dù có số lượng đông nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ thấp.

Sự lãnh đạo, hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên đối với các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp. Việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương phát triển tổ chức đảng, đoàn thể chính trị -xã hội, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Người lao động trong doanh nghiệp tư nhân làm việc không ổn định, đa số chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Một số tổ chức đảng chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt, thường sinh hoạt ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ.

Phương thức hoạt động của một số doanh nghiệp còn nghèo nàn, nhất là sinh hoạt đảng chưa được duy trì thành nền nếp thường xuyên, sinh hoạt đoàn thể còn hình thức, chưa hiệu quả. Một số đảng viên trong các doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên, thiếu cương quyết. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút; số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tăng”(5).

Do vướng mắc trong thủ tục chuyển sinh hoạt đảng nên một số doanh nghiệp có hợp đồng lao động là đảng viên không thể chuyển sinh hoạt đến tổ chức đảng trong doanh nghiệp để tăng cường củng cố tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên. Kinh phí hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị -xã hội trong doanh nghiệp còn khó khăn.

Ngoài ra, do tác động của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch đã tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị, tâm lý hoài nghi, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước.

Một số bài học kinh nghiệm:

Xuất phát từ thực tiễn trong việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, để thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trước hết phải có sự thống nhất cao về nhận thức trong cấp uỷ, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị -xã hội, nhất là là đối với những người đứng đầu cấp uỷ, các chủ doanh nghiệp, người lao động thấy rõ được tầm quan trọng, lợi ích của việc trở thành người đảng viên. Đảng uỷ khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cần tăng cường tiếp xúc cũng như tuyên truyền vận động để người lao động, chủ doanh nghiệp hiểu rõ chủ trương và lợi ích khi được đứng vào hàng ngũ đảng.

Hai là, cần có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể từng năm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức đảng, các đoàn thể trực thuộc và cấp uỷ viên, đảng viên để kết nạp đoàn viên, hội viên, đảng viên.

Ba là, cần xây dựng kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên hàng năm và cho cả nhiệm kỳ, tránh trường hợp thiếu nguồn kết nạp. Chú trọng lựa chọn những quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên. Việc xây dựng các tổ chức đảng, các đoàn thể cần tuân thủ theo các quy định, thủ tục, cách làm phải phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trong các doanh nghiệp.

Bốn là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cấp uỷ, của đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp cũng như chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động.

Năm là, cấp uỷ cấp trên cần thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức đảng làm tốt công tác phát triển đảng viên.

Những giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Để tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ thành lập mới trên 30 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và trong nhiệm kỳ kết nạp trên 7.500 đảng viên (bình quân hằng năm đạt trên 1.500 đảng viên) (6) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đề ra, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện tốt Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 07/3/2013 của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, các tổ chức trong doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để khảo sát và nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp ủng hộ và tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho người lao động nhận thức sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, cấp uỷ phải xây dựng kế hoạch cụ thể đối với kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp. Các cấp uỷ đảng cần quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức đảng; phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Tiến hành khảo sát, đánh giá, phân tích đúng thực trạng chất lượng quần chúng là nguồn kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục quy định. Cần chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với từng đối tượng.

Thứ tư, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong sinh hoạt cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Phát huy vai trò của cấp uỷ, của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, để chủ doanh nghiệp cũng như người lao động thấy được vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng, của việc được kết nạp vào Đảng. Đồng thời, tổ chức đảng cùng đồng hành với doanh nghiệp, quan tâm, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo sân chơi lành mạnh để tập hợp đoàn viên, phát huy những nhân tố tích cực trong lao động, có tinh thần trách nhiệm, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ Đảng để bồi dưỡng và giới thiệu tổ chức đảng xem xét kết nạp. Bên cạnh đó, cần có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động. Kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Ngoài ra, để tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp cần thực hiện cơ cấu đảng viên là chủ tịch công đoàn, bí thư chi bộ doanh nghiệp, xem xét giới thiệu những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực vào các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.

Thứ sáu, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát về công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên. Định kỳ sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết để đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cấp uỷ, tổ chức đảng có thành tích trong công tác phát triển đảng viên.

Thứ bảy, Trung ương cần sớm có nghị quyết chuyên đề về củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước nhằm khẳng định ý nghĩa, vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên là công nhân và tỷ lệ giai cấp công nhân trong Đảng phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Cần có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị -xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tóm lại, công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nhằm đạt được kết quả cao hơn nữa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng vững mạnh và doanh nghiệp phát triển bền vững.  Phạm Xuân Ngọc- Trường Chính trị Lê Duẩn

 

Tài liệu tham khảo

(1) (2) (3) (4). Tỉnh ủy Quảng Trị: Báo cáo số 265, ngày 31 tháng 3 năm 2023 “về phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp ngoài nhà nước”, trang 1, trang 4, trang 6, trang 8.

(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 190.

(6). Tỉnh ủy Quảng Trị: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trang 163.

198 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 749
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 749
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77438699