Cơ hội bứt phá của bất động sản công nghiệp năm 2022 

(ĐCSVN) - Bất chấp đại dịch, những chỉ số hoạt động thu thập được những tháng đầu năm 2021 khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều xu hướng trong phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ có cơ hội bứt phá trong năm 2022.

 

 Bất động sản công nghiệp có nhiều triển vọng phát triển (Ảnh: PV)

Ngài Gilberto Aliberti, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam cho biết, kim ngạch thương mại và tổng vốn FDI tăng vọt kể từ khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 2.242 dự án đầu tư từ các nước châu Âu - tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đăng ký là 22,24 tỷ USD, tăng 483 tỷ USD so với 2020. Đã có những nhà đầu tư lớn từ châu Âu vào Việt Nam như Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp và Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemens (Thụy Điển). “Những lợi ích và cơ hội của EVFTA là không thể phủ nhận. Hiệp định FTA này được chứng minh đã tạo ra những tác động tích cực ngày càng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc thu hút vốn, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm chuyên môn đã được kích hoạt nhờ vào hiệp định thương mại đầy tham vọng này” – đại sứ Gilberto Aliberti nói.

Đại dịch gây nhiều khó khăn và gián đoạn sản xuất quý 3/2021; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 giảm 1,6% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 giảm 7,5% - mức giảm thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay. Sản lượng công nghiệp giảm 4 tháng liên tiếp khi số ca nhiễm tăng cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trung bình 10 tháng đầu năm 2021, sản lượng công nghiệp chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020. Nền Công nghiệp 4.0 và sản xuất thông minh với mô hình KCN sinh thái bền vững, bằng cách nâng cao chuỗi giá trị, các đối thủ bắt đầu nâng cấp năng lực sản xuất của mình từng bước trở nên phổ biến và người ta đã sử dụng công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D ngày càng nhiều hơn… Dự kiến, ngành sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong chiến lược 4.0 vào năm 2030 nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình và công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7- 14 tỷ USD. Đơn cử như: Vingroup đã bắt đầu sử dụng 1.200 robot của ABB trong một số quy trình hàng của mình; Hay như KTG Industrial JSC đã phát triển nhà xưởng xây sẵn sử dụng công nghệ 4.0 tại tỉnh Đồng Nai…

Việt Nam dẫn đầu thị trường trung tâm dữ liệu Đông Nam Á và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 14,6%, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2025. Điều này được thúc đẩy bởi sự phổ biến ngày càng tăng của các giải pháp dữ liệu lớn, Internet vạn vật và các giải pháp dựa trên đám mây. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trở nên cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu tăng mạnh bởi sự phát triển của video trực tuyến, hội nghị truyền hình, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội.

Quan trọng hơn cả là niềm tin được củng cố với hy vọng đại dịch sẽ trong tầm kiểm soát. Việc thay đổi chiến lược phòng, chống COVID-19 từ mục tiêu “zero COVID” đã chuyển thành thích ứng linh hoạt và chủ động “sống chung với dịch”, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ phủ sóng vắc-xin COVID đã khiến bạn bè quốc tế thực sự khâm phục và đánh giá cao.

Biểu đồ thống kê dự án đầu tư nước ngoài (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Thêm nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã đưa ra kế hoạch để tạo ra nhiều KCN sinh thái hơn theo hướng tăng cường công nghệ sạch và mức carbon thấp; Giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm nước, cải thiện hiệu quả sử dụng nước và quản lý hóa chất; 05 KCN được chọn làm dự án thử nghiệm sẽ được đánh giá hiệu quả hoạt động sau 3 năm.

Dự báo xu hướng bất động sản công nghiệp được kỳ vọng bứt phá

Năm 2020, Việt Nam đã được các nước trên thế giới ca ngợi bởi những thành tựu trong việc ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch COVID-19, đồng thời khả năng tránh sự suy giảm của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vào năm 2021, Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và khu vực miền Nam đã bị dịch bệnh tấn công và phải áp dụng các đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Bên cạnh kế hoạch mở cửa trở lại đáng khích lệ, sự hỗ trợ tận tình của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp trong nước đã trấn an rằng đất nước không chỉ sẽ phục hồi mà còn có khả năng trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia đều nhất trí dự báo rằng, thị trường bất động sản công nghiệp có triển vọng bứt phá trong 2022. Cụ thể, về nguồn cung đất công nghiệp, bất chấp đợt bùng phát COVID-19 mới ở Việt Nam, một số khu công nghiệp mới đã được thành lập và các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập - tăng 19 khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước. So với năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại một số tỉnh tăng nhưng nhìn chung vẫn ổn định. Do còn nhiều hạn chế trong việc đi lại và tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định, giá tăng ở mức khiêm tốn so với giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, một số tỉnh như Hưng Yên và Bà Rịa-Vũng Tàu có giá thuê tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

 Biểu đồ các ngành hoạt động của nền kinh tế (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ngoài kho xưởng xây sẵn, nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường trong năm tới. Tuy nhiên, xét về mặt xu hướng, nhu cầu về trung tâm dữ liệu và kho lạnh đang tăng cao và đạt được sức hút lớn vào năm 2020 và 2021.

Trong năm 2022, các nhà đầu tư kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục diễn ra, vì Việt Nam hiện đang nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô siêu lớn (hyperscale). Theo ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, sự gián đoạn sản xuất tại các nhà máy và khu công nghiệp đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ và những ngành này (như dệt may và nội thất) phải vật lộn để tìm nguồn lao động và đất đai có giá cả phải chăng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA... Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện chẳng hạn như: Ngành công nghiệp 4.0; sản xuất chế tạo thông minh hơn; Hiện đại hóa chuỗi cung ứng; Hình thức bán – thuê lại tài sản; Các mô hình KCN mới và quy hoạch tổng thể hiện đại; Trung tâm dữ liệu và Kho lạnh…

Có thể thấy, việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, hứa hẹn tình hình phát triển công nghiệp của Quý 4/2021 sẽ khả quan hơn so với quý đầu năm. Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp địa phương. Tất cả sẽ vẽ nên một bức tranh rằng Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết./.

 
Lê Anh
135 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 742
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 742
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78219425