|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng |
Sáng 19/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567.
Nhận thức về vị trí, vai trò của thanh niên được nâng lên
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo, tổ chức Hội nghị. Biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược); Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (Đề án 567) và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã giam gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) tại đơn vị mình một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản từ cơ sở, bảo đảm thực chất, đúng tiến độ; nội dung các báo cáo và tài liệu của Hội nghị rất công phu, kỹ lưỡng và chất lượng. Tinh thần làm việc của Hội nghị nghiêm túc, ý kiến tham luận, phát biểu khá sâu sắc, phong phú, sinh động.
Đề cập đến Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, về cơ bản, 6 mục tiêu, 8 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung của Chiến lược đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc.
Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược sâu rộng từ trung ương đến cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược; về vị trí, vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Chiến lược.
Đã có 30/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (100%) ban hành Chương trình phát triển thanh niên và Kế hoạch triển khai thực hiện. Các địa phương đã chỉ đạo việc xây dựng Chương trình phát triển thanh niên và Kế hoạch thực hiện đến 100% huyện, quận, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên được nâng lên. Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện Chiến lược đã tích cực, chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược.
Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thanh niên 2020, đây chính là nền tảng, cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó có một số chỉ tiêu phát triển thanh niên chưa được quan tâm đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. Một số giải pháp phát triển thanh niên còn chung chung, lộ trình thực hiện thiếu khả thi. Nhiều nhiệm vụ, đề án thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương còn chưa hoàn thành hoặc chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện Chiến lược chung của cả nước...
Về Đề án 567, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, qua 6 năm thực hiện, cơ bản Đề án đã được triển khai có hiệu quả; đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh trong phạm vi Đề án. Qua bồi dưỡng đã góp phần nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động để cán bộ, công chức trẻ ở xã trở thành hạt nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng, trong thực hiện Đề án, lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho cán bộ, công chức trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng. Một số nội dung, chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng chưa phù hợp với từng địa phương và chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng, chưa chú trọng bồi dưỡng một số kỹ năng cần thiết như: xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch; xử lý văn bản hành chính; phân tích xử lý tình huống; kiểm tra, đánh giá kết quả công việc; tiếp công dân; lãnh đạo và các kỹ năng mềm trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Liên quan đến Đề án 500 trí thức trẻ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã phối hợp với các địa phương hoàn thành tuyển chọn 500 đội viên để bố trí đưa về 500 xã thuộc 163 huyện. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội viên Đề án được các tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời đảm bảo theo đúng quy định Nhà nước, qua đó tạo điều kiện cho các đội viên an tâm công tác.
Qua báo cáo, các đội viên đã chủ động khắc phục khó khăn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 5 năm về xã công tác, các đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân. Hằng năm, phần lớn đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng đội viên vào các cơ quan nhà nước cũng gặp những khó khăn nhất định, trong số 411 đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng, có 121 đội viên Đề án được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng, còn 290 đội viên Đề án các địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng.
Về nội dung này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan và lãnh đạo 34 địa phương thời gian qua đã dành nhiều thời gian để bàn các phương án giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao.
“Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò chủ trì, tích cực của Bộ Nội vụ đã đạt được trong việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 10 năm vừa qua cũng như việc tổ chức thực hiện các Đề án, Dự án, chính sách liên quan đến thanh niên, đến đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030
Nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đây cũng là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Thanh niên 2020; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, về Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có các giải pháp khắc phục.
Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.
Thứ hai, về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020 để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xác định rõ về nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.
Thứ ba, về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác.
Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định luật. Đối với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.
Phát huy những thành tích to lớn đã đạt được trong những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, cùng quan tâm định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy và phát triển thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới góp phần xây dựng nền hành chính, nền công vụ thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Nguyễn Hoàng