"Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" 

(ĐCSVN )- Hội thảo "Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi" nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cung cấp thêm bằng chứng và luận cứ khoa học cho triển khai chiến lược và chính sách phát triển bền vững nông thôn Việt Nam.

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam: Thực trạng và xu hướng biến đổi”.

Tham dự có khoảng 80 đại biểu là các nhà khoa học uy tín từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương và địa phương có liên quan.

Hội thảo nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận và công bố các kết quả nghiên cứu cập nhật về thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa, già hóa dân số và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cung cấp thêm bằng chứng và luận cứ khoa học cho triển khai chiến lược và chính sách phát triển bền vững nông thôn Việt Nam.

 TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: VA.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Qua gần 40 năm công cuộc Đổi mới cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa Việt Nam thoát nghèo trở thành một nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Trong quá trình đó, cơ cấu xã hội Việt Nam nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng đã có những biến đổi sâu sắc.

Theo TS Đặng Xuân Thanh, phát triển và hiện đại hóa nông thôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng, thể hiện rõ nhất qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nông thôn Việt Nam còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng gần đây có xu hướng giảm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; chất lượng lao động nông thôn còn hạn chế; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị... Nghị quyết số 19- NQ/TW xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu đặt đến năm 2030 là xây dựng nông thôn “phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng  kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…”.

Đề cập đến vấn đề thực tiễn về biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, cùng với quá trình di cư và đô thị hóa, tỷ lệ dân số nông thôn ở Việt Nam giảm đáng kể trong mấy thập kỷ qua; từ 76,4% vào năm 1999 xuống còn 62,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, mức độ giảm này là chậm so với nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong giai đoạn 2015-2021, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và lao động giản đơn ở khu vực nông thôn giảm từ 63,7% xuống còn gần 50%, nhưng vẫn còn rất cao so với trong toàn quốc.

Trong giai đoạn 2000-2022, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở khu vực nông thôn tăng từ 1,8 triệu đồng lên hơn 3,8 triệu đồng. So với khu vực đô thị, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn luôn thấp hơn đáng kể và mức chênh lệch có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2000-2019 và giảm trong mấy năm gần đây, cụ thể là từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

Do vậy, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cho rằng biến đổi cơ cấu xã hội nông thôn là quá trình phức tạp và đa dạng, liên quan đến các yếu tố truyền thống cũng như các yếu tố hiện đại, vừa mang tính tất yếu vừa thể hiện những đặc thù riêng. Việc nghiên cứu nắm bắt thực trạng, xu hướng quy luật hướng biến đổi và những yếu tố liên quan đến các vấn đề nêu trên không chỉ cung cấp cơ sở lý luận, những bằng chứng thực nghiệm, mà còn đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến quá trình biến đổi xã hội nông thôn trong bối cảnh hiện nay, góp phần triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển.

 Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia. Ảnh: VA

Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức 3 phiên: Phiên thứ nhất tập trung vào những vấn đề chung, cung cấp cái nhìn tổng quát về cơ cấu xã hội nông thôn, đặc biệt xem xét sự thay đổi của cấu trúc xã hội nông thôn gắn với quan hệ đất đai và tác động của những thay đổi đó đến nông nghiệp. Phân tích và đánh giá mức độ hài lòng của cư dân nông thôn về các vấn đề đời sống kinh tế, lao động-việc làm, văn hóa, an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự…

Phiên thứ hai thảo luận về cơ cấu lao động và việc làm, xoay quanh mối quan hệ giữa ruộng đất và nghề nghiệp, các động thái biến đổi và chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp-việc làm ở nông thôn trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, di cư và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phiên thứ ba nhận diện các tổ chức cộng đồng và tính liên kết cộng đồng ở nông thôn, xem xét những biến đổi trong đời sống hôn nhân của cư dân nông thôn Việt Nam, đánh giá điều kiện sống và an sinh xã hội của hộ gia đình nông thôn hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung nhận diện và phân tích những chiều cạnh chủ yếu về thực trạng và xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam; Cập nhật và cung cấp cứ liệu khoa học về cơ cấu xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạch định chính sách; Gợi mở những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững./.

 
Mỹ Anh
171 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 485
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 485
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77993723