Chuỗi bê bối tại các trung tâm đăng kiểm: Tham nhũng có hệ thống, quy mô lớn 

(Chinhphu.vn) - Những tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm là rất nghiêm trọng, xét ở cả tính chất, mức độ, phạm vi. Hơn 300 người có liên quan đến bê bối nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm xe cơ giới đã bị khởi tố, tạm giam. Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi bê bối xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Chuỗi bê bối tại các trung tâm đăng kiểm: Tham nhũng có hệ thống, quy mô lớn - Ảnh 1.

Có những chiếc xe không đảm bảo chất lượng sau khi nộp tiền để bỏ qua lỗi, vẫn tiếp tục được đăng kiểm bình thường, tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội...

Ở đâu luật ‘bất thành văn’ khi đi đăng kiểm?

Câu chuyện tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm tồn tại trong một thời gian dài đang liên tiếp bị phanh phui khắp trong cả nước. Người đứng đầu lĩnh vực này, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ.

Ông Hà bị cáo buộc cùng các đồng phạm Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó phòng) và chuyên viên Phạm Đức Ngọc nhận tiền hối lộ "hằng tháng, hằng quý" của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm thì mới được chấp nhận.

Tính đến nay, lực lượng công an trên cả nước đã khởi tố, tạm giam, tạm giữ hơn 300 người tại 23 tỉnh, thành phố có liên quan đến bê bối nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm xe cơ giới. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên từng ngày.

Các đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi nhận hối lộ, với những sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm: Nhận tiền hối lộ nhằm bỏ qua các lỗi kiểm định. Số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng được xác định lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thủ đoạn tại các trung tâm đăng kiểm gần như giống nhau và hoạt động một cách có hệ thống. Cụ thể, người đi đăng kiểm phải nộp một khoản tiền từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng để được bỏ qua các lỗi đăng kiểm, như: Thay đổi thiết kế thùng xe, vi phạm về khí thải, khối lượng xe nặng hơn thiết kế ban đầu, lỗi về đèn, phanh…

Những chiếc xe không đảm bảo chất lượng sau khi nộp tiền để bỏ qua lỗi, vẫn tiếp tục được đăng kiểm bình thường, tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội, làm biến dạng, hỏng hóc đường xá.

Vụ việc khởi phát từ ngày 26/10/2022 khi lực lượng cảnh sát giao thông Công an TPHCM kiểm tra 2 xe tải lưu thông trên đường và phát hiện thùng xe đã được cơi nới trái quy định. Nhưng 2 xe này vẫn được chứng nhận kiểm định đạt. Thấy có dấu hiệu tội phạm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM đã ghi lời khai tài xế, chủ xe, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ.

Các đối tượng, cán bộ đăng kiểm tại các trung tâm khai nhận đã được "bật đèn xanh" từ cấp trên. Nhiều trung tâm phải đều đặn hối lộ lên cấp trên để được duyệt cấp mã số đăng kiểm và chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Còn chủ xe đăng kiểm thì phải nộp tiền cho các trung tâm đăng kiểm.

Cách thức làm này đã trở thành luật "bất thành văn". Nhiều chủ xe biết là sai nhưng vẫn nộp tiền để đỡ mất thời gian và được bỏ qua lỗi vi phạm của xe mình.

Gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết: "Hành vi vi phạm pháp luật về đăng kiểm vừa qua không phải là 'tham nhũng vặt'. Hành vi này có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn. Bộ trưởng Bộ Công an nói rằng tính chất nghiêm trọng của vấn đề, rất có tổ chức, phân công phối hợp chặt chẽ".

Bộ Công an cũng khẳng định đây là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Thoạt nhìn, tiêu cực trong lĩnh vực kiểm định chỉ như một loại "tham nhũng vặt" khi giá trị vật chất của hối lộ không lớn. Nhưng khi rất nhiều người bị ảnh hưởng và trên một phạm vi rất rộng, gần như trong cả nước, thì sẽ không còn là "tham nhũng vặt" nữa. 

Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận định, sở dĩ tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm xảy ra như ngày hôm nay là bởi công tác quản lý đã bị buông lỏng khi "không ai quản lý, không ai nhắc nhở, xử lý, để nó mặc nhiên xảy ra, kiểu 'bất thành văn', như là chuyện đương nhiên".

Nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nhận định, để xảy ra tiêu cực đó, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan tổ chức. Vì sao một sai phạm hệ thống như vậy lại có thể công nhiên diễn ra trong một thời gian dài, trên một phạm vi rất rộng...

Theo ông Phạm Trọng Đạt, những tiêu cực này sẽ làm tổn hại lâu dài cho xã hội. Không biết bao nhiêu chiếc xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để lưu hành vẫn ngang nhiên lăn bánh trên đường làm tăng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cho tính mạng của người tham gia giao thông. Những tuyến đường giao thông vừa được sửa sang chưa được bao lâu đã bị những chiếc xe được cơi nới tải trọng cày nát.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất bổ sung vụ án: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi.

Nhật Nam

275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 812
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 812
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78143318