Chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron nhưng nguy cơ lây lan rất nhanh 

(Chinhphu.vn) - Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người. Tuy nhiên, những đặc điểm của biến chủng Omicron này dự báo lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến thể Delta.

 

Những đặc điểm của biến chủng Omicron này dự báo lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến thể Delta
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Đắc Phu cho biết, WHO đã đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta, vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. Những đặc điểm của biến chủng Omicron này dự báo lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến thể Delta.   

"Biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vaccine phòng COVID-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vaccine vẫn còn tiếp tục nghiên cứu”, vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, đến nay chưa có kết luận về mức độ nặng do Omicron gây ra với con người, nhưng nguy cơ  lây lan nhanh, vaccine không còn tác dụng, sẽ có nhiều người nhiễm... thì có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.   

Trước lo ngại của người dân về biến chủng Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng, cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu. Chúng ta cũng phải luôn nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện tốt thông điệp 5K. "Đặc biệt, cần phải lưu ý người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam”. Ông Trần Đắc Phu cho rằng, cần làm các xét nghiệm trong nước, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gene.   

Ngày 25/11, WHO thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529). Biến chủng này được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi, như Nam Phi, Botswana...

Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana vào ngày 24/11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% Delta).

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng Omicron. Bộ đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 8706/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của SARS-CoV-2. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

Hiền Minh

186 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 926
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 926
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77261098