Cần tư duy mới, cách làm mới trong bảo trì đường bộ 

(Chinhphu.vn) - "Thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm cũ là việc khó nhưng cần phải làm. Cục Đường bộ Việt Nam cần thay đổi quan điểm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu lĩnh vực chuyên ngành cho Bộ theo hướng không bảo thủ, sợ trách nhiệm để quản lý kết cầu hạ tầng đường bộ theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.
Cần tư duy mới, cách làm mới trong bảo trì đường bộ- Ảnh 1.
 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Tạp chí GT

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Xây dựng văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Cục đã hoàn thành một số nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt là Luật Đường bộ, đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6 vừa qua với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thời gian qua. 

Ngoài ra, Cục Đường bộ đã trình Bộ GTVT 3 Nghị định, 1 Quy chuẩn kỹ thuật và 7 Thông tư. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật ngay sau khi ban hành đã tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, như: Nghị định số 41 tăng cường phân cấp trong lĩnh vực vận tải, đào tạo giấy phép lái xe ô tô; Thông tư số 25 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Báo cáo về công tác chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam đã có 96,4% GPLX (cấp bằng vật liệu PET) được chuẩn hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện, chỉ còn khoảng 3,6% GPLX chưa đủ thông tin hợp lệ, Cục đang tiếp tục phối hợp với Cục C06 Bộ Công an để thực hiện xác thực. Hoàn thành tích hợp trên 12 triệu hồ sơ GPLX lên tài khoản định danh điện tử VNeID; Tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên hệ thống một cửa Quản lý GPLX trên 9 nghìn hồ sơ, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 93,6%.

Về công tác giải ngân, đối với vốn đầu tư công trung hạn, trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả giải ngân của Cục đạt 448/827,4 tỷ đồng (đạt 54,15%), cao hơn so với mức giải ngân trung bình của Bộ GTVT là (44,3%). 

Đối với nguồn vốn bảo trì đường bộ, năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam được giao là 11.500 tỷ đồng, tính đến hết tháng 6/2024, các đơn vị đã giải ngân trên 3.200 tỷ đồng (đạt 28%). 

"Nhìn chung, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu do chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu; xây dựng kế hoạch nhiều danh mục dẫn đến khối lượng công việc lớn; còn thụ động, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ… và nguyên nhân khách quan như vướng mắc, phát sinh nhiều thủ tục khi thực hiện luật đấu thầu mới", ông Thắng chỉ ra những hạn chế của Cục Đường bộ trong 6 tháng vừa qua.

Cần tư duy mới, cách làm mới trong bảo trì đường bộ- Ảnh 5.
 

Năm 2024, Cục Đường bộ Việt Nam được giao 11.500 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ, tính đến hết tháng 6/2024, các đơn vị đã giải ngân trên 3.200 tỷ đồng (đạt 28%) - Ảnh minh họa

Cần cách làm mới, tư duy mới 

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm, Cục Đường bộ Việt Nam có nhiều đổi mới hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệu vụ, chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm, nổi bật nhất là đã xây dựng thành công luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua. Luật Đường bộ sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý ngành.

"Muốn đổi mới lĩnh vực đường bộ, ngoài quyết tâm, nghị lực cần có hành lang pháp lý tốt. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là phải khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Cục Đường bộ Việt Nam cần định hình, cụ thể hóa được cách thức, ý tưởng quản lý mới để đưa vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật", Thứ trưởng yêu cầu.

Với công tác bảo trì, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng: Qua theo dõi hàng năm Cục Đường bộ Việt Nam có đến 1.500 - 1.600 đầu mục bảo trì đường bộ là quá nhiều. 

"Công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình cả trăm tỷ đồng là không được. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Việc này cần thay đổi, thu gọn lại, giảm bớt đầu mục dự án, lập gói thầu lớn để thu hút doanh nghiệp có năng lực tham gia", Thứ trưởng chỉ ra hạn chế.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cần rà soát lại hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có kinh phí triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tránh tình trạng đầu tư công nghệ manh mún, nhỏ lẻ như trong thời gian qua.

Về bảo dưỡng thường xuyên, Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu đánh giá lại hợp đồng theo chất lượng thực hiện (PBC). Cùng đó, nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng hợp đồng có thể ký 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Sau 5 năm nếu nhà thầu làm tốt có thể tiếp tục gia hạn, không phải đấu thầu, chọn lại nhà thầu.

"Thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm cũ là việc khó nhưng cần phải làm. Cục Đường bộ Việt Nam cần thay đổi quan điểm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu lĩnh vực chuyên ngành cho Bộ theo hướng không bảo thủ, sợ trách nhiệm để quản lý kết cầu hạ tầng đường bộ theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp", Thứ trưởng nói.

Phan Trang

112 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 533
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 534
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89002607