Cần gấp rút bổ sung đăng kiểm viên 

(Chinhphu.vn) - Dự kiến ngay trong tháng 3, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn lại hoạt động chỉ đạt 42% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TPHCM. Trong tháng 4, có thể "ùn tắc" nghiêm trọng hơn do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu đăng kiểm của người dân ở 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Cần gấp rút bổ sung đăng kiểm viên - Ảnh 1.

Dự kiến ngay trong tháng 3, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn lại hoạt động chỉ đạt 42% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TPHCM - Ảnh: Báo GT

Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết để duy trì hoạt động đúng, đủ chức năng, toàn bộ hệ thống của Cục Đăng kiểm Việt Nam (không tính các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT địa phương và các đơn vị của tư nhân) cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó có 90 đăng kiểm viên bậc cao).

Hiện nay, toàn bộ hệ thống đăng kiểm đang có 198 đăng kiểm viên (trong đó có 103 đăng kiểm viên bậc cao). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 66 đăng kiểm viên bị khởi tố (54 người bị tạm giữ, 12 người được tại ngoại). Do đó, hệ thống đăng kiểm trên toàn quốc đang thiếu khoảng 110 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 44%).

Đề xuất ký hợp đồng tuyển dụng đăng kiểm viên đúng quy định

Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng người làm việc tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm phải mất ít nhất 60 ngày, trong khi đó, nhu cầu bổ sung nhân sự để các đơn vị duy trì hoạt động rất cấp bách. Vì vậy, để gấp rút bổ sung nhân lực, Cục Đăng kiểm đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị có ý kiến với Bộ Nội vụ cho phép được ký hợp đồng lao động cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.

Ngay sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyển đăng kiểm viên theo đề xuất của Cục Đăng kiểm.

Căn cứ đưa ra đề nghị trên của Bộ GTVT dựa theo Nghị định 111/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị”.

Bộ GTVT cho biết từ khi thành lập (ngày 25/4/1964) đến nay, Cục Đăng kiểm luôn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Cục không được giao biên chế công chức, viên chức và không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đề xuất giảm người trong một dây chuyền kiểm định

Trong bối cảnh thiếu đăng kiểm viên nghiêm trọng, giải pháp cấp bách hiện nay, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam là cần sửa đổi quy định hiện hành giảm bớt đăng kiểm viên, chỉ để 2 đăng kiểm viên thực hiện 1 dây chuyền kiểm định (quy định hiện hành đang là tối thiểu 3 đăng kiểm viên 1 dây chuyền).

Cục Đăng kiểm cho rằng với việc sắp xếp 1 dây chuyền kiểm định có đăng kiểm viên chuyên môn cao, có thể đánh giá được tất cả các hạng mục trong quy trình kiểm định, hoàn toàn có thể áp dụng quy định này. Nhờ đó sẽ có thêm đăng kiểm viên vận hành các dây chuyền kiểm định khác, từ đó, tăng năng suất lao động và khả năng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm xe của người dân.

Cần gấp rút bổ sung đăng kiểm viên - Ảnh 2.

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyển đăng kiểm viên theo đề xuất của Cục này.

Nguy cơ tiếp tục "ùn tắc" trung tâm đăng kiểm

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 14h ngày 26/2, cả nước có 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Số đăng kiểm viên còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người, trong khi đó, để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên.

Như vậy, toàn hệ thống hiện đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.

Riêng các đơn vị đăng kiểm và Phòng Tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao). Hiện nay đang thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 50% số người cần có).

Tính đến 14h ngày 26/2, cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP hoặc tự đóng cửa.

Riêng tại Hà Nội, chỉ còn 16/31 đơn vị đăng kiểm đang hoạt động với 31/61 dây chuyền kiểm định (chiếm 53% so với trước đây). Dự báo số đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần này do thiếu nhân sự. Khu vực TPHCM hiện có 11/19 đơn vị đăng kiểm hoạt động với 26/48 dây chuyền kiểm tra (chiếm 54% so với trước đây).

Như vậy, ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, số dây chuyền kiểm định còn đang hoạt động chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Trong khi đó, mỗi dây chuyền kiểm định hiện trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất). Nguyên nhân do hầu hết mỗi dây chuyền chỉ còn 3 đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra do vậy công suất tối đa chỉ được 60 xe/ngày/dây chuyền; tỉ lệ phương tiện kiểm định không đạt cao, từ 20-30%, dẫn đến 1 xe cần phải kiểm định nhiều lần.

Ngoài ra, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên trên cả nước hết sức nặng nề, áp lực dẫn đến giảm hiệu suất lao động; số lượng đăng kiểm viên xin nghỉ việc, thôi việc ngày càng tăng, nhiều trung tâm đăng kiểm tự thông báo dừng hoạt động.

"Dự báo nếu không có sự thay đổi, với số lượng trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP. HCM hiện tại trong các tháng tiếp theo của năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân, đặc biệt có những tháng sẽ xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng do năng lực kiểm tra chỉ đáp ứng 31%”, Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết.

Dự kiến ngay trong tháng 3, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm còn lại hoạt động chỉ đạt 42% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TPHCM. Đặc biệt trong tháng 4, có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn và nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu đăng kiểm của người dân tại TPHCM và 38% nhu cầu của người dân ở Hà Nội.

Thiếu nhân lực, chưa thể mở lại trung tâm đăng kiểm duy nhất tại Hòa Bình

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, cho biết theo thống kê, tỉnh Hòa Bình có 30.663 xe ô tô các loại, trong đó có khoảng 4.000 xe tới hạn đăng kiểm vào tháng 3.

Để mở lại Trung tâm Đăng kiểm, Sở đã tham mưu cho tỉnh các phương án và cũng đã báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT, làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để xin hỗ trợ người, nhưng vẫn khó khăn về nhân lực. Song song với đó, Sở cũng đã lập kế hoạch đưa cán bộ có chuyên môn phù hợp đi đào tạo để tạo nguồn nhân lực sau này.

"Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến đầu quý II/2023 hoặc ngay tháng 3 này sẽ cho trung tâm mở cửa hoạt động trở lại”, ông Hậu cho biết.

Trước đó, ngày 9/1, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở GTVT Hoà Bình đã tạm thời dừng hoạt động kiểm định xe cơ giới vì lực lượng công an thu thập dữ liệu phục vụ công tác điều tra. Hàng loạt các cán bộ ở trung tâm này bị triệu tập, bắt giữ.

Ngày 17/1, căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 10 bị can về tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 28-01S.

Phan Trang

136 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 664
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 664
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78132598