|
(Ảnh minh họa: Bích Liên ) |
Ô nhiễm vẫn kéo dài nhiều nơi
Số liệu quan trắc từ các trang thông tin về môi trường những ngày gần đây lại một lần nữa khiến người dân lo lắng, khi mà liên tiếp những ngày cuối năm chất lượng không khí tại các thành phố lớn và một số địa phương lân cận đã vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép, chủ yếu ở mức kém và đã đến ngưỡng xấu.
Như vậy là, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và nhiều địa phương đã kéo dài và vẫn đang tiếp diễn. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nguyên nhân và giải pháp trước mắt, nhưng chất lượng không khí hiện vẫn chưa được cải thiện.
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, Hà Nội đang trong thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Vào những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Theo thống kê, ngày 31/1 không khí ở Hà Nội và một số địa phương tiếp tục ô nhiễm. Hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND thành phố Hà Nội, Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), ứng dụng Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir - là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) cho thấy: Hầu hết chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đều chuyển mức từ đỏ sang tím, mức rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có 3 điểm màu nâu-nguy hại cho sức khỏe.
Cụ thể, lúc 7 giờ sáng 31/1, hầu hết các điểm quan trắc cho chỉ số chất lượng không khí hầu hết chủ yếu màu đỏ, đến 16-17 giờ đã chuyển sang màu tím. Lúc 17 giờ, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường ghi nhận các điểm màu đỏ ở các điểm quan trắc đã nâng mức chỉ số chất lượng không khí lên cao hơn, từ 152 thấp nhất lên phần lớn trên 170, có hại cho sức khỏe của con người.
Trong đó, 9 điểm có chỉ số chất lượng không khí lên trên 200, mức màu tím là rất có hại cho sức khỏe như: UBND phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), UBND thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), UBND phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), 36A Phạm Văn Đồng, Tòa nhà quản lý Hồ Thành Công, trụ sở Công an phường Hàng Mã, Cung thiếu nhi Hà Nội (Hoàn Kiếm), UBND thị trấn Sóc Sơn và UBND xã Thanh Xuân (Sóc Sơn).
Trước đó, ngày 30/1, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội đều màu đỏ với chỉ số chất lượng không khí ở mức 153-180, có hại cho sức khỏe của con người. Chỉ số màu đỏ còn kéo dài đến 16 giờ ngày 30/1, sau đó giảm bớt một cấp về ô nhiễm.
Đặc biệt, trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở hầu khắp Hà Nội lúc 8 giờ đều mức đỏ, có 10 nơi mức tím rất có hại cho sức khỏe gồm: Cổ Đông (Sơn Tây), Trung tâm đổi mới công nghệ - công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất), PAM Farm-Vân Côn (Hoài Đức), Minh Trí và Thanh Hà 1 (Sóc Sơn), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), Gia Thượng (Long Biên), Times City (Hai Bà Trưng), Vĩnh Hưng (Hoàng Mai), Bát Tràng (Gia Lâm). Thậm chí ở điểm quan trắc Ngọc Thụy (Long Biên) ở mức nâu với chỉ số AQI 305 là mức không khí bị ô nhiễm nặng nề, dễ làm phát sinh các bệnh lý hô hấp và dị ứng nghiêm trọng.
Triển khai giải pháp cấp bách chống ô nhiễm
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí đã được xác định do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện xe máy chưa có…
Bởi vậy, quản lý ô nhiễm môi trường cần theo hướng tiếp cận tổng hợp. Ngoài việc các bộ ra văn bản đôn đốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thành lập đoàn liên ngành làm việc với một số đô thị lớn có lượng phương tiện cơ giới lớn, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Những vấn đề liên quan đến đốt rơm rạ, đốt than tổ ong, cây cối ven đường…nên giao trách nhiệm cho tổ dân phố, địa phương.
Các chuyên gia cũng cho rằng, biện pháp cần làm ngay là rửa đường, cấm các phương tiện chở vật liệu xây dựng, rác thải gây ô nhiễm. Thực tế ở những điểm nóng về ô nhiễm, bụi bay mờ mịt cần địa phương, bộ, ngành liên quan phải xử lý kịp thời, đặc biệt xử lý ngay những công trình không tuân thủ quy định, để bụi phát tán; thu hồi xe máy cũ, nát do ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bảo vệ môi trường…
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 3/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Liên quan việc thực hiện triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các bộ, ngành cùng thống nhất các biện pháp chỉ đạo địa phương, đồng bộ thực hiện nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Tổng cục Môi trường phải tổng kết việc thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đề ra các giải pháp trong năm 2022.
Theo đó, ngay tháng 3/2021, Tổng cục Môi trường làm đầu mối, thành lập đoàn liên ngành làm việc với UBND các tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, phân công, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trong và ngoài bộ.
Tổng cục Môi trường sẽ tham mưu với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg. Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chung; các bộ, ngành theo công việc được Thủ tướng Chính phủ giao có hướng dẫn cụ thể./.