Các địa phương miền Trung chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô 

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các tỉnh, thành phố ở miền Trung đang bước vào mùa khô, nhiều chủ rừng khai thác rừng trồng đồng thời chuẩn bị đất cho vụ canh tác mới, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
photo-1652955138669

Miền Trung bước vào mùa khô, nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng

Hiện ngành kiểm lâm các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ rừng đến từng xã, thôn, làng và cho người dân ký cam kết không để xảy ra cháy rừng.

Theo dõi chặt chẽ hoạt động canh tác, đốt rẫy

Tại Quảng Nam, năm 2021, tổng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh là 463.356 ha, giảm 2.850 ha so với năm 2020. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sạt lở và cháy rừng.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 89 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 876,5 ha rừng. Trong đó, diện tích cháy lướt dưới tán rừng có thể tự phục hồi lại hơn 614 ha và diện tích thiệt hại rừng không thể phục hồi khoảng hơn 262 ha.

Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo; tình trạng người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định; bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ…

Do đó, để kiểm soát tình hình, hạn chế nguy cơ cháy rừng, lực lượng chức năng ở Quảng Nam thường xuyên chỉ đạo các xã, chủ rừng nghiêm túc giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động canh tác, đốt rẫy đối với các hộ dân đăng ký nhằm quản lý "lửa" một cách hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Giang cho hay, trong năm 2021 và đầu năm 2022, địa phương ghi nhận có hơn 1.200 tổ đăng ký phát nương, đốt rẫy phát triển sản xuất. Trước khi vào rừng phát rẫy người dân đều phải đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Đồng thời, báo cáo cụ thể về thời gian tiến hành đốt rẫy nhằm huy động lực lượng canh giữ, không để xảy ra cháy rừng do sự chủ quan, thiếu ý thức từ phía cộng đồng.

Còn ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trong số 121 xã thuộc vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, có 37 xã thuộc vùng rất xung yếu. Xác định nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng cao, những năm qua, bên cạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, các hạt kiểm lâm, đơn vị trực thuộc tham mưu phát động phong trào toàn dân thi đua bảo vệ rừng và PCCCR.

"Chúng tôi chủ động xây dựng các phương án, giải pháp PCCCR vào mùa khô tại các điểm có nguy cơ cao về cháy rừng. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, cũng như tình trạng người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định nên đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên", ông Khánh cho biết.

photo-1652955165085

Phòng chống là chính, chữa cháy phải kịp thời

Phòng, chống là chính, chữa cháy phải kịp thời

Tại Quảng Ngãi, hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có gần 334.000 ha. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 108.000 ha, rừng trồng hơn 225.000 ha. Tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 52%.

Trong những năm qua, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng trồng thuộc khu vực đồi núi thấp và trung bình. Hiện nay, diện tích rừng trồng đang phát triển mạnh, nhiều cấp tuổi khác nhau, trong năm 2021 có trên 27.000 ha rừng trồng khai thác; có nhiều diện tích tiếp giáp với các khu dân cư, khu du lịch, rừng trồng xen kẽ với ruộng vườn, nương rẫy của nhân dân, gần đường giao thông, nên việc sử dụng lửa bất cẩn của người dân rất dễ gây cháy lan vào rừng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng, với phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, từ đầu năm, ngành kiểm lâm đã khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phân công cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng lực lượng và phương tiện tham gia chữa cháy kịp thời, khẩn trương và hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch PCCCR, đồng thời, chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, thiết bị sẵn sàng dập lửa nếu xảy ra cháy rừng. 

Lưu Hương

219 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77281526