BÌNH ĐẲNG ĐỂ PHÁT TRIỂN 

Ở nước ta, Phụ nữ chiếm trên một nửa dân số và khoảng 50,6% lực lượng lao động xã hội. Với lực lượng đông đảo và không ngừng nâng cao chất lượng như vậy, Phụ nữ Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế đã cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng có chiều hướng tăng. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ tỷ lệ phụ nữ tham gia chiếm gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ hơn 6%. Đặc biệt, trong giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn, nhiều người có trình độ cao. Sự trưởng thành của phong trào phụ nữ, những đóng góp xứng đáng của các cấp hội phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Những con số trên tuy chưa phải là tất cả nhưng cũng đã minh chứng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới; phụ nữ và nam giới đã có sự bình đẳng về thực chất trên các lĩnh vực cuộc sống. Ông Jesper Morch, khi đang là trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã cho rằng: “Trong nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới. Nhìn chung, Việt Nam thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới”.

Tuy vậy, so với yêu cầu cũng như kỳ vọng mà chúng ta hướng tới thì còn nhiều vấn đề về giới, bất bình đẳng giới đang nổi lên, mà tựu trung là: Trình độ học vấn, nghề nghiệp của phụ nữ so với nam giới còn chưa tương xứng. Tư tưởng trọng nam, coi thường nữ, tệ phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn diễn ra. Gánh nặng công việc gia đình làm cản trở phụ nữ tiến bộ. Tệ nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm, đánh đập, ngược đãi phụ nữ… còn diễn biến phức tạp. Ở các vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Công tác quản lý kinh tế - xã hội nói chung còn hạn chế ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới.

Vấn đề đặt ra là phải thực hiện bình đẳng giới. Bình đẳng giới vừa là vấn đề cơ bản về quyền con người, vừa là yêu cầu về sự phát triển công bằng, hiệu quả và bền vững. Bình đẳng giới nhằm tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho sự phát triển của phụ nữ, như hỗ trợ tạo việc làm, học tập để nâng cao năng lực, chăm sóc sức khỏe và từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong việc tham gia lãnh đạo, quản lý đất nước. Đó cũng là nội dung của phát triển, cho nên có thể nói bình đẳng để phát triển.

Tuy nhiên, đây công việc không dễ làm và không phải ai cũng nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Thêm vào đó, Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, vốn chịu ảnh hưởng của những tư tưởng phong kiến lạc hậu trọng nam, coi thường nữ, từ lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân. Thậm chí, nhiều người còn cho đấy là một nét của “phong tục, tập quán” không thể thay đổi. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội để việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của toàn xã hội. Bình đẳng giới là thước đo của tiến bộ xã hội, do đó công tác này cần phải được nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và hành động thật quyết liệt. Cần có sự vào cuộc có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội mỗi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là vai trò tự lập của chị em phụ nữ.

Bình đẳng giới, một trong những mục tiêu của sự phát triển bền vững. Trí Ánh

                                                    

 

290 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 763
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 764
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77443679