Bám sát cơ sở để khơi thông vướng mắc về thể chế, tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 

(Chinhphu.vn) - Các bộ, ngành phải bám sát cơ sở, khẩn trương hoàn thành việc ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện, bảo đảm khơi thông vướng mắc về thể chế, tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023.
Bám sát cơ sở để khơi thông vướng mắc về thể chế, tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với Ủy ban Dân tộc - Ảnh: VGP/Hải Minh

Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang quán triệt tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc chiều ngày 7/2. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, GD&ĐT, Văn phòng Chính phủ.

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là Chương trình mới với nhiều nhiệm vụ lại được triển khai trên địa bàn rộng, liên quan đến cuộc sống của những người có hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt.

Bên cạnh đó, khối lượng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình rất lớn, với 33 văn bản trên tổng số 73 văn bản phải ban hành để thực hiện 3 chương trình MTQG về: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến ngày 30/1/2023, tốc độ giải ngân của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước đạt 42,53%, thấp hơn so với mức bình quân 57,7% của cả 3 chương trình. Hơn nữa, tổng mức đầu tư cho Chương trình trong năm 2023 tăng 41% so với năm 2022, đẩy áp lực giải ngân sang năm 2023.

Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế giao nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình cho cả giai đoạn 2023 – 2025; nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế cho phép địa phương điều chỉnh mức vốn đầu tư theo nhu cầu thực tế và được phép điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình giữa các dự án cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Ủy ban Dân tộc cũng kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong việc chi trả từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình bố trí cho nội dung khoán chăm sóc và bảo vệ rừng đã thực hiện từ năm 2021.

Uỷ ban Dân tộc sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tham mưu hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án về Tiêu chí xác định thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Dự án 9 của Chương trình.

Bám sát cơ sở để khơi thông vướng mắc về thể chế, tăng tốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2023, phải hoàn thành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình - Ảnh: VGP/Hải Minh

Để tăng tốc thực hiện cả ba chương trình MTQG trong năm bản lề 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ, cực kỳ hiệu quả trên tinh thần hết sức cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2023, phải hoàn thành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thống nhất về nội dung trên tinh thần lắng nghe, sâu sát cơ sở để khơi thông vướng mắc về thể chế.

Phó Thủ tướng lưu ý phải cố gắng đầu tư ra tấm ra món, tránh dàn trải, lãng phí; tránh tình trạng tách các dự án thành nhiều dự án nhỏ dẫn đến rủi ro mất cán bộ, mất thời gian làm thủ tục, giảm hiệu quả đầu tư.

Về công tác tập huấn tại các địa phương, Phó Thủ tướng gợi ý lựa chọn một số địa phương đã triển khai hiệu quả Chương trình để chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phương thức tập huấn cần theo tinh thần cầm tay chỉ việc nhằm tạo sự dễ hiểu cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Hải Minh

165 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 733
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 733
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76994743