Đối thoại nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng của đô thị hóa; từ đó đề xuất, khuyến nghị chính sách hỗ trợ các thành phố của các nền kinh tế thành viên APEC trở nên an toàn bền vững. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc giai đoạn 2016 – 2030. Việc tổ chức Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững là sự tiếp nối các sáng kiến từ các năm APEC trước.
*Xu thế đô thị hóa ngày càng tăng
Tại Đối thoại, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Đô thị hóa đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong các nền kinh tế thành viên APEC. Hiện đang có khoảng 1,8 tỷ người (khoảng 60% dân số) trong khu vực sống tại đô thị. Dự kiến dân số sống trong đô thị vào năm 2050 sẽ là 2,4 tỷ người, tăng 33%; một số nền kinh tế sẽ đô thị hóa trên 80%, trong khi các nền kinh tế khác cũng tiếp tục đô thị hóa nhanh chóng và sẽ có tới 14/37 siêu đô thị của thế giới nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với xu thế đô thị hóa và vai trò của đô thị hoá đang ngày càng tăng, các vấn đề, thách thức to lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý, phát triển đô thị.
Theo đó, các nền kinh tế thành viên APEC cần có các chiến lược, giải pháp đa ngành, liên kết nhằm hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị; giải quyết vấn đề và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững, bao trùm. Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững lần này thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia của các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế liên quan. Các bên mong muốn đẩy mạnh hợp tác, tạo động lực mới cho quá trình đô thị hóa bền vững, phù hợp với tiêu chí đối với các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc.
Đối thoại tập trung thảo luận các nội dung về khuôn khổ thể chế, chính sách phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; liên kết vùng trong phát triển đô thị; phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh. Thông qua kết quả đối thoại từ các nền kinh tế thành viên APEC, các khuyến nghị chính sách sẽ được xây dựng một cách chặt chẽ.
*Thách thức trong quản lý sự chuyển đổi đô thị
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, vấn đề quản lý sự chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ khó khăn đối với các nền kinh tế trong khu vực APEC, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của biến đổi khí hậu.
Riêng tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa của nhiều thành phố lớn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như: Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương; sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; vấn đề di cư thiếu kiểm soát, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị- nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.....và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao. Đây cũng là những thách thức lớn cho tiến trình phát triển tiếp theo của Việt Nam nói riêng cũng như các nền kinh tế thành viên APEC nói chung.
Tại Đối thoại, các đại biểu tham dự đã xác định một số trở ngại tác động tới tính hiệu quả của đô thị hóa bền vững. Theo đó, nhiều chính sách đất đai của các nền kinh tế thành viên APEC tác động không tốt với việc chuyển nhượng đất, giao dịch, sử dụng đất hiệu quả; chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp. Hệ thống phân loại đô thị không xem xét các chỉ tiêu quan trọng như mật độ dân số và các liên kết để thúc đẩy tăng trưởng. Việc thiếu sự điều phối và gắn kết phát triển cơ sở hạ tầng; chưa quan tâm đầy đủ đến việc kết nối kinh tế nông thôn – đô thị; chính sách “hộ khẩu” tạo ra tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhập cư trong tiếp cận cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội cũng là các vấn đề cần được quan tâm giải quyết hơn.
Các đại biểu cho rằng, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cần tạo động lực mới cho quá trình đô thị hoá phát triển bền vững, từ đó có thể thu được nhiều lợi ích hơn. Các giải pháp được đưa ra như: Nâng cấp thể chế, cải tạo cơ sở hạ tầng; cải cách thị trường đất đai bằng giải pháp tăng cường hệ thống đăng ký, định giá đất dựa vào thị trường; phát triển danh mục các thành phố nhằm cân bằng đô thị hóa trên phạm vi quốc gia; tăng cường hợp tác trong quy hoạch và chính sách ở cấp Trung ương và địa phương; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ kho vận; lồng ghép thúc đẩy lợi ích tích tụ kinh tế của thành phố và nông thôn. Ngoài ra, các chính sách quản lý hộ khẩu cần được sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di cư từ nông thôn lên đô thị…./.
Hiền Hạnh