Nghiên cứu tác động của công nghệ số đến phát triển nguồn nhân lực Tại Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, trong nhiều thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn luôn là một khu vực năng động với tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Chìa khóa cho sự phát triển năng động của khu vực này chính là nguồn nhân lực dồi dào với trình độ tay nghề kỹ thuật cao cùng sự hợp tác chặt chẽ của các nền kinh tế thành viên.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, nguồn nhân lực có trình độ cao đang trở nên ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nền kinh tế thành viên APEC trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Việc áp dụng công nghệ số một mặt giúp thúc đẩy năng suất lao động, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh, thị trường và cơ hội việc làm mới; mặt khác cũng tạo ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế thành viên APEC và lực lượng lao động trong khu vực. Một số ngành nghề truyền thống đã mất đi và ngày càng nhiều lực lượng lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC hiện nay là thúc đẩy hợp tác trong khu vực, nghiên cứu và đánh giá kịp thời tác động của công nghệ số đến việc phát triển nguồn nhân lực nhằm tìm ra giải pháp để tăng cường khả năng thích nghi của lực lượng lao động trong kỷ nguyên số. Chính vì vậy, Đối thoại Chính sách cấp cao về Nguồn nhân lực trong Kỷ nguyên số của APEC được kỳ vọng mang lại cơ hội đại diện các cơ quan Chính phủ, các đối tác và đặc biệt là những người tuyển dụng lao động và người lao động có thể trao đổi ý kiến và đưa ra những sáng kiến nhằm đối phó với những thách thức hiện nay cũng như tận dụng tốt những thời cơ do kỷ nguyên số mang lại.
Tại Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu đã tập trung xây dựng dự kiến chương trình cho Khung APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thảo luận một số khuôn khổ về di chuyển lao động trong khu vực APEC; bàn về khoảng cách trong hội nhập và phát triển kinh tế ở vùng sâu vùng xa đối với tăng trưởng bền vững trong khu vực APEC…
Phát biểu tại Hội thảo về phụ nữ trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bà Lisa Brodey, Giám đốc Văn phòng Hợp tác khoa học và công nghệ thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, môi trường kinh tế phát triển năng động, thịnh vượng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đối với phụ nữ và trẻ em gái, theo đuổi một nghề nghiệp trong khối khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) là rất khó khăn.
Theo một dữ liệu chưa đầy đủ, phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực APEC luôn bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu và tư tưởng văn hóa khiến họ không mong muốn phát triển sự nghiệp và trở thành lãnh đạo trong STEM. Ở trường học, trẻ em gái không được khuyến khích theo đuổi các môn học STEM như trẻ em trai. Khi học lên đại học, sinh viên nữ cũng ít có cơ hội giành được bằng cấp về STEM, đặc biệt là các ngành về kỹ thuật, kinh tế, khoa học máy tính. Khi đi làm, phụ nữ trong khối STEM bị thiệt thòi trong việc lựa chọn công việc, mức lương hay những ưu đãi khác.
Hiện nay, Sáng kiến Phụ nữ APEC trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đã đạt được một khuôn khổ bao gồm bốn trụ cột: Môi trường thuận lợi, giáo dục, việc làm, kinh doanh. Bà Lisa Brodey kỳ vọng, tại Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ tập trung làm rõ bốn trụ cột trên và đóng góp vào quá trình thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái APEC phát triển trong khối STEM. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được chia sẻ nhiều câu chuyện thành công của phụ nữ trong khối STEM, tìm hiểu cơ hội hỗ trợ, hợp tác trong khu vực APEC; giải pháp xóa bỏ định kiến, tạo công bằng đối với phụ nữ trong khối STEM, tăng cường các thể chế hỗ trợ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học…./.
Thu Phương