Trở về đường sáng 

(QT) - Thời tiết không thuận, biết chúng tôi lo lắng khó vào các trạm, lán trại bảo vệ rừng ở xa, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lí rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông liền trấn an. Và để tăng thêm sự phấn chấn trong chúng tôi, vị giám đốc có hơn 20 năm gắn bó với những cánh rừng phòng hộ Quảng Trị chia sẻ không ít niềm vui trong sự nghiệp bảo vệ rừng đầy gian nan, trong đó có câu chuyện về những “cộng sự” tham gia chốt Vùng Kho để chuộc lỗi với rừng...

Anh em ở chốt Vùng Kho đi tuần tra rừng. Ảnh: BH

 

Năm 2018, tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn giáp ranh huyện Đakrông và Hướng Hóa diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại xã Đakrông, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, nơi có nhiều diện tích rừng phòng hộ buộc UBND tỉnh Quảng Trị phải thành lập Tổ liên ngành chốt chặn tại địa điểm Vùng Kho (xã Đakrông), hoạt động đợt 1 duy trì từ tháng 5-9/2018 và tiếp tục được tổ chức đợt 2 từ tháng 10-12/2018. Với sự vào cuộc quyết liệt, các điểm nóng đã hạ nhiệt. Nhưng để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, Ban quản lí rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quyết định duy trì vị trí chốt chặn này cũng như nhân rộng nhiều lán trại khác. “Ban trực tiếp quản lí hơn 26 ngàn ha rừng phòng hộ nhưng lực lượng quá mỏng, rất cần sự hỗ trợ từ người dân, chính vì lẽ đó, chúng tôi tìm kiếm thêm nhân lực”, ông Tuấn nhớ lại.

 

Việc tham gia vào tổ bảo vệ rừng đòi hỏi sự dũng cảm, trung thực và trên hết phải được sự tín nhiệm, bầu chọn từ cộng đồng, chấp nhận của chính quyền. Trong số những người tình nguyện được xét duyệt, có Hồ Văn Thuận (sinh năm 1992) của bản Vùng Kho, từng có biệt danh Thuận “lâm tặc”. Bởi Thuận cũng như một số người từng bất chấp vào rừng phòng hộ chặt phá cây lấy củi, lấy gỗ bán kiếm tiền mưu sinh. Thuận còn kéo theo một số người bước vào con đường vi phạm. Năm 2017 rồi sang năm 2018, cán bộ nhân viên Ban quản lí rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông tìm cách gặp gỡ, vận động Thuận từ bỏ phá rừng. Không dễ để tìm được Thuận và cũng không dễ để được Thuận “đón tiếp” nhưng lãnh đạo Ban quản lí vẫn luôn kiên trì, nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa. Và trong thâm tâm ông Tuấn cùng đồng nghiệp vẫn tin có ngày thức tỉnh được những người như Thuận... Cuối năm 2018, anh Võ Văn Đà, Tổ trưởng chốt Vùng Kho bất ngờ khi có khách tới thăm. Trước mắt anh là Thuận, người mà anh đã dày công vận động thời gian dài vừa qua. Không còn ánh mắt trốn tránh ngày nào, chàng trai người Vân Kiều bày tỏ mong muốn được tham gia chốt Vùng Kho. Ngay sau đó, Thuận chính thức nhận về mình nhiệm vụ bảo vệ rừng, chốt tại vị trí gần quốc lộ 9 hướng vào Tiểu khu 688, giáp địa bàn xã Hướng Linh.

 

“Tính đến tháng 10/2019 thì em về chốt được gần một năm rồi. Còn anh Cường đây cũng ở Vùng Kho”, Thuận cho biết. Thuận không ngần ngại kể cho chúng tôi về ngày tháng lầm lỗi trước kia của mình. Đó là cảnh trốn chạy, chui lủi giữa rừng khi phát hiện lực lượng chức năng. Đó là những lần thót tim đưa gỗ ra bìa rừng nhưng vẫn chỉ nghĩ đến chuyện ngày mai gỗ bán được sẽ có nhiều gạo, bữa cơm cho vợ con đủ đầy hơn. Thuận không nghĩ xa được về sự sống “lá phổi xanh”, về nguồn nước, về môi trường, tương lai của chính Thuận và con cái, dân bản bị tàn phá từ hành động này. Thế nhưng, chính những cán bộ như ông Tuấn, anh Đà đã kiên trì gieo vào lòng Thuận về tình yêu với rừng và lợi ích mà rừng mang lại. Tham gia chốt Vùng Kho, Thuận được trả công nhưng nỗi lo cơm áo cho vợ con vẫn còn là bài toán nan giải. Tuy nhiên Thuận vẫn quyết tâm với con đường mình lựa chọn. Khi nhìn thấy tấm gương của Thuận, Cường đã quyết tâm thay đổi, theo cùng.

 

Trở về đường sáng, Thuận và Cường trở thành “tai mắt của rừng”, kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phá rừng. Khi phát hiện dân bản vi phạm, như phát rừng lấy đất làm rẫy, lấy gỗ, bằng uy tín của mình, đôi bạn này cũng nỗ lực thuyết phục họ. Từ đây, anh Đà và đồng đội có thêm động lực trong cuộc chiến bảo vệ rừng đầy gian nan. Được biết, thời gian qua, Ban quản lí đã thiết lập tổng cộng 5 lán trại có sự tham gia bảo vệ của người dân địa phương, cùng với 5 trạm khác đã “hạ nhiệt” được tình hình khai thác, xâm hại rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrông.

 

Bảo Hà

246 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1031
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1032
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78157983