Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm 

(QT) - Thực hiện Công điện khẩn số 735 CĐ-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin CGC cho đàn gia cầm-Ảnh: T.T

           

Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng vi rút CGC A/H5N1 tại Ấn Độ, Trung Quốc; A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; A/H5N2 và A/H5N5 tại Đài Loan. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao. Đặc biệt tại Trung Quốc, ngày 1/2/2020, dịch CGC A/H5N1 bùng phát tại tỉnh Hồ Nam với 4.500 con gà phát bệnh; địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát.

 

Tại Việt Nam, hiện nay cả nước có tỉnh Quảng Ninh có dịch CGC A/H5N6 chưa qua 30 ngày. Bên cạnh đó, kết quả giám sát chủ động trong năm 2019 tại 26 tỉnh, thành phố (với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm), tỉ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với cúm A/H5N1 là 1,19%;  A/H5N6 là 1,82%.

 

Trong các năm 2018-2019, tuy dịch CGC cơ bản được khống chế trên địa bàn tỉnh nhưng dự báo nguy cơ dịch xảy ra trong thời gian tới là rất cao do vẫn có sự lưu hành virus trên các đàn gia cầm; người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc; các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm trái phép vẫn chưa được kiểm soát; thời tiết chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của gia cầm làm bệnh phát sinh. Đặc biệt tổng đàn gia cầm tăng nhanh do người dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm để ổn định thu nhập nhưng tỉ lệ tiêm phòng vắc xin CGC đạt thấp nên nguy cơ dịch CGC có thể bùng phát, lây lan ra diện rộng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

 

Để chủ động ngăn chặn dịch CGC A/H5N1 và A/H5N6 và các chủng virus CGC khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh, đồng thời hạn chế virus cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

 

Huy động các tổ chức, đoàn thể và các ngành chức năng liên quan phối hợp với cơ quan chuyên môn để chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại địa phương tới từng hộ chăn nuôi, từng cơ sở buôn bán vận chuyển và các chợ. Vận động mọi người dân tự giác thực hiện không giấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác chết bừa bãi. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí của địa phương để chủ động ứng phó kịp thời, không để dịch xảy ra và lây lan ra diện rộng. UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; bố trí địa điểm tiêu hủy gia cầm bệnh theo đề nghị của cơ quan thú y.

 

 Triển khai công tác tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đối với trường hợp nuôi mới gia cầm không thực hiện đăng kí và không tiêm phòng vắc xin CGC nếu mắc bệnh cương quyết tiêu hủy và không hỗ trợ. Quản lí các hộ kinh doanh gia cầm trên địa bàn, cam kết không mua bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch...

 

Các ngành, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch CGC có hiệu quả.

 

T.T

244 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 779
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 780
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77140365