Gạo Quảng Trị xuất khẩu chính ngạch sang Lào 

(QTO) - Cách đây tròn 1 năm, lô gạo Quảng Trị xuất khẩu theo đường chính ngạch đầu tiên được Cơ sở Xay xát lương thực Hùng Oanh (Cơ sở Hùng Oanh), thị xã Quảng Trị xuất khẩu sang nước bạn Lào. Phát huy thắng lợi đầu tiên đó, bước sang năm 2020, Cơ sở Hùng Oanh đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Lào, trở thành cơ sở đầu tiên của tỉnh xuất khẩu gạo Quảng Trị theo đường chính ngạch.

Chế biến lúa gạo tại Cơ sở Hùng Oanh, thị xã Quảng Trị - Ảnh: VTH​

 

Nằm trong khu vực trọng điểm lúa phía Nam của tỉnh, Cụm Công nghiệp Ba Bến, thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm chế biến gạo lớn nhất tỉnh với nhiều cơ sở sản xuất và chế biến gạo có quy mô lớn. Cơ sở Hùng Oanh là một trong những số đó với quy mô chế biến mỗi năm hơn 20.000 tấn gạo. Gạo của Cơ sở Hùng Oanh có mặt ở thị trường nhiều tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An… Ở các thị trường này, gạo Quảng Trị được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì chất lượng ngon, sản xuất sạch, giá hợp lý. Mỗi ngày, Cơ sở Hùng Oanh xuất đi các tỉnh hơn 30 tấn gạo.

 

Từ năm 2019, ngoài phát triển thị trường trong nước, Cơ sở Hùng Oanh đã tìm kiếm mở rộng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Lào. Đối với thị trường này, những năm trước đây, Cơ sở Hùng Oanh cũng đã bán gạo sang đó nhưng theo đường tiểu ngạch và thông qua các tư thương ở Lao Bảo, sản lượng không được nhiều.

 

Nhận thấy đây là thị trường có tiềm năng, Cơ sở Hùng Oanh đã chủ động sang Lào kết nối thương mại với các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng gạo ở Lào. Cơ sở đã mở văn phòng đại diện ở Lào để vừa tiếp thị gạo ở thị trường đã có hợp đồng, vừa tìm kiếm thị trường mới. Năm 2019, Cơ sở Hùng Oanh đã xuất khẩu trực tiếp theo đường chính ngạch được hơn 8.640 tấn gạo sang Lào, chủ yếu bán ở 2 tỉnh Savannakhet và Champasack. Năm 2020, cơ sở ký kết được 2 hợp đồng cung ứng 12.000 tấn, trong 7 tháng đầu năm đã xuất khẩu được 7.000 tấn, còn 5.000 tấn sẽ xuất hết trong thời gian tới.

 

Nhằm đảm bảo được các điều kiện xuất khẩu gạo, Cơ sở Hùng Oanh đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính như giấy phép xuất khẩu do Bộ Công thương cấp, giấy kiểm định chất lượng sản phẩm... Đồng thời, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ sản xuất chế biến gạo của Bộ Công thương như hệ thống kho chứa, máy móc thiết bị…

 

Chủ Cơ sở Hùng Oanh Hoàng Thị Ngọc Oanh cho biết: “Trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu gạo, cơ sở nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở Công thương, chính quyền Phường 2, UBND thị xã Quảng Trị, Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương. Khi thực hiện xuất khẩu gạo qua Lào, cơ sở cũng được Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tạo điều kiện làm thủ tục thông quan nhanh, thuận lợi. Thời gian tới, cơ sở sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tại Lào để tăng sản lượng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy hơn thị trường lúa gạo của tỉnh”.

 

Để có được đủ sản lượng gạo đã qua chế biến đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, Cơ sở Hùng Oanh đã tổ chức khá bài bản chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm. Cả đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cơ sở đều triển khai thành các hệ thống đại lý thu mua và tiêu thụ khá chặt chẽ. Thông qua các đại lý đầu vào cơ sở mua lúa đến tận ruộng của nông dân và thông qua đại lý đầu ra, cơ sở cung ứng gạo đến tận tay người tiêu dùng. Cứ thế, Cơ sở Hùng Oanh đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho rất nhiều lao động từ nông dân đến tiểu thương qua từng công đoạn trên con đường hạt gạo đi từ đồng ruộng đến tay người tiêu dùng. Người nông dân bán lúa tại ruộng cho cơ sở rồi quay trở lại phơi lúa thuê cho cơ sở, nhờ đó có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập ngoài tiền bán lúa.

 

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, thôn An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong cho biết: “Cơ sở Hùng Oanh ngoài thu mua lúa kịp thời cho nông dân tại ruộng theo giá thị trường còn tạo điều kiện cho nông dân được tham gia trong quá trình phơi lúa. Nhờ đó, nông dân vừa bán được lúa, vừa có thêm việc làm, thêm thu nhập mỗi mùa thu hoạch, góp phần cải thiện đời sống”.

 

Hiện nay, theo chị Oanh khả năng phát triển thị trường gạo ở Lào còn khá lớn, những năm tới, cơ sở sẽ tập trung khai thác tuyến xuất khẩu này. Tuy nhiên, để đảm bảo năng lực sản xuất vừa tăng sản lượng xuất khẩu, vừa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của Bộ Công thương, Cơ sở Hùng Oanh phải đầu tư thêm nhiều máy móc và nhà xưởng như máy sấy lúa gạo, máy tách màu gạo. Để mở rộng được quy mô sản xuất, cơ sở cần nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước như vay vốn ưu đãi, thuê đất…

 

Về nguồn gạo đầu vào đáp ứng nhu cầu sản lượng xuất khẩu, ngoài ưu tiên thu mua gạo Quảng Trị, Cơ sở Hùng Oanh sẽ mở rộng thị trường thu mua lúa gạo ra các tỉnh trong vùng như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình…

 

Ngoài hoạt động kinh doanh gạo, Cơ sở Hùng Oanh còn tham gia dự trữ gạo để bán cho tỉnh trong công tác phòng, chống COVID- 19 hiện nay. Thời gian dự trữ từ nay cho đến thu hoạch vụ đông xuân năm sau nhằm giúp tỉnh đảm bảo lương thực cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian COVID-19 đang xảy ra, góp phần ổn định thị trường lương thực tại tỉnh.

 

Việc xuất khẩu được gạo sang Lào theo đường chính ngạch là một bước tiến đáng kể trong kinh doanh lúa gạo của Cơ sở Hùng Oanh. Đây là tín hiệu vui cho hạt gạo Quảng Trị, cũng là bước khởi đầu để không chỉ cơ sở Hùng Oanh mà nhiều doanh nghiệp khác mở hướng làm ăn, đưa hạt gạo Quảng Trị vươn xa ra nhiều nước trên thế giới.

 

Võ Thái Hòa

509 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 626
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 626
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77450263