Đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường 

(QT) - Chiều nay 6.9.2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức phiên đối thoại lần 2 trong năm 2019 với các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nhiều DN nêu ra những vướng mắc trong hoạt động trên lĩnh vực tài nguyên môi trường.

                

Cuộc đối thoại lần này có gần 80 DN được mời tham gia đã nêu ý kiến bày tỏ những quan ngại, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động; những khó khăn bất cập trong công tác phục hồi, bảo vệ môi trường ở các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ti tan, khai thác cát sỏi, khai thác nguồn nước sinh hoạt và sản xuất tiểu thủ công nghiệp… 

 

Đại diện lãnh đạo Công ty CP khoáng sản Quảng Trị nêu thực trạng hiện nay công ty được cấp phép khai thác, chế biến sâu khoáng sản ti tan với diện tích là 114 ha. Giấy phép cấp hoạt động là 15 năm nay đã hoạt động hết 14 năm. Trong quá trình hoạt động, công ty đã đầu tư 150 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến sâu, đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; đầu tư 40 tỉ đồng di dời bãi tập kết vật liệu ra khỏi địa bàn thị trấn.

 

Ngoài ra công ty đã chú trọng đến công tác hoàn thổ, đặc biệt là chú trọng đến việc trồng cây trả lại màu xanh cho đất, trong đó phải kể đến 20 ha đưa vào trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Để tiếp tục duy trì hoạt động công ty đã làm thủ tục thăm dò, xin tiếp tục cấp phép 88 ha ở xã Vĩnh Tú. Mọi hồ sơ thủ tục đã nộp lên Bộ TN&MT nhưng năm 2017 Bộ có công văn trả lời là tạm dừng cấp phép. Vì vậy nếu không được tiếp tục cấp mỏ tiếp sẽ rất khó khăn cho DN bởi ngoài số vốn đầu tư nhà máy còn có 600 lao động đang cần việc làm nên đề nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm kiến nghị lên Bộ TN&MT nghiên cứu cấp mỏ cho các DN đã gửi hồ sơ thủ tục nhằm duy trì hoạt động của công ty.

 

Đại diện Công ty CP Nước sạch Quảng Trị nêu vấn đề liên quan đến công tác quản lí về nước mặt và nước ngầm. Hiện nay tình trạng khai thác cát sạn làm thay đổi dòng chảy, chất lượng nguồn nước đặc biệt ở trạm bơm Tân Lương ở sông Vĩnh Phước gây ra khó khăn cho đơn vị trong việc khai thác nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt. Công tác quản lí nước ngầm ở Gio Linh hiện nay phạm vi cấp đất cho các dự án có hiện tượng xâm lấn đến hệ thống đường ống của công ty.

 

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT trả lời hiện nay tỉnh không cấp phép một dự án khai thác cát sỏi nào ở sông Vĩnh Phước, đây là tình trạng khai thác lậu nên đề nghị tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh. Đối với đường ống nguồn nước ngầm ở Gio Linh đề nghị công ty có hồ sơ giao đất, phạm vi đường ống dẫn nước để khi cấp đất cho các dự án có cơ sở đối chiếu, so sánh.

 

Có DN đặt câu hỏi về việc quy định đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và thay đổi giấy phép đánh giá tác động môi trường khi DN có những thay đổi về địa bàn hoạt động, công suất hoạt động. Vấn đề này, Sở TN&MT trả lời phải căn cứ theo quy định một khi thay đổi công suất, phạm vi hoạt động là phải lập lại đánh giá tác động môi trường.

 

Công ty TNHH May xuất khẩu Cam Nghĩa nêu ra khó khăn bởi trên thực tế công ty đã lập đề án trình để thành lập công ty, làm đơn xin cấp đất xây dựng nhà xưởng. Hiện nay công ty mong muốn được sớm hoàn thành thủ tục, giúp công ty hoạt động để giải quyết việc làm cho 50 lao động.

 

Với đề xuất này Sở TN&MT trả lời hiện hiện nay đã hướng dẫn công ty lập hồ sơ thủ tục thuê đất. Việc chuyển đổi đất vườn sang đất thương mại, dịch vụ là phải làm thủ tục đầu tư, để Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư sau đó làm thủ tục chuyển nhượng đất từ đất vườn sang đất thương mại.

 

Ngoài ra ở huyện Cam Lộ có một số cụm công nghiệp Cam Hiếu, Tân Định, Tân Trang nên công ty có thể chuyển sang sản xuất ở các cụm CN này. Sau khi cơ sở may đã đi vào hoạt động sở đã tham mưu ủy ban hỗ trợ làm thủ tục hoàn thiện tác động môi trường. Nếu DN có trên 100.000 sản phẩm/năm phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 

Một số DN khai thác cát sỏi nêu thực trạng trong phương án phục hồi bảo vệ môi trường đã trồng tre nhưng nếu trồng tre thì vướng vào đất bãi bồi nên người dân phản đối, đề nghị sở có phương án tháo gỡ.

 

Sở TN&MT trả lời rằng phương án phục hồi bảo vệ môi trường là kè đá và trồng tre nhưng theo sự phản ánh của DN cần phải có kiểm tra thực tế để từ đó có hướng giải quyết thỏa đáng.

 

Kết luận phiên đối thoại Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trường Khoa khẳng định quan điểm 1 năm tổ chức 2 lần đối thoại với DN hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Những kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại này rất xác đáng và thẳng thắn. Tuy nhiên trong công tác quản lí ngành hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập mà ở phương diện ngành không đủ thẩm quyền giải quyết.

 

Đối với vấn đề đất đai, hi vọng sau khi có sửa đổi Luật Đất đai sẽ tháo gỡ cho DN…Trong lĩnh vực quản lí hoạt động khai thác cát sỏi tại quy định 1855 của Chính phủ đã phân quyền kiểm tra, xử phạt hành chính về cho các địa phương. Do đó các địa phương phải chủ động kiểm tra, thanh tra, đồng thời cần bố trí kinh phí để tăng cường công tác quản lí tài nguyên khoáng sản trên địa bàn chứ không thể trông chờ vào các cơ quan cấp trên.

 

 Việc thanh tra kiểm tra thường xuyên của Sở TN&MT là bắt buộc nhưng trong thời gian qua chưa có ý kiến phản ánh của DN. Đây là tín hiệu vui bởi các DN đã làm tốt hoạt động của mình, đặc biệt là thực hiện các vấn đề về đất đai, tài nguyên khoáng sản…

 

Với quan điểm xem DN là đối tượng phục vụ nên hy vọng trong thời gian tới sẽ có sự hợp tác tích cực giữa cơ quan quản lí ngành và DN nhằm đem lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

 

H.N.K

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 717
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 717
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78080439