Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai 

(QT) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 2 – 3.9.2019, mưa lớn kéo dài xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, có nơi lượng mưa đo được trên 400mm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã chủ động vào cuộc, triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp ứng phó.

Cây cầu Ra Lây, nằm trên đường dẫn vào xã Pa Nang, huyện Đakrông bị hư hỏng nặng

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận giúp người dân đưa trâu, bò đến nơi an toàn . Ảnh: BP Thuận

 

Người dân thị trấn Lao Bảo sơ tán đồ đạc, hàng hóa đến nơi an toàn

 

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến chiều ngày 3.9.2019, toàn tỉnh chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm hư hại nhiều ngôi nhà của người dân trên địa bàn. Tối 2/9/2019, trên địa bàn xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, lốc xoáy đi qua làm 12 ngôi nhà của người dân địa phương bị tốc mái, trong đó có một số nhà bị tốc mái nặng trên 70%. Tại thôn Kè, xã Tà Long, huyện Đakrông, nước sông dâng cao khiến 1 nhà dân bị ngập nặng, may mắn là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Nang kịp thời ứng cứu, không để xảy ra thiệt hại về người.

 

Được biết, tính đến 7 giờ, ngày 3/9/2019, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 18.097/22.580 ha lúa vụ hè thu. Trong số 4.483 ha lúa vụ hè thu chưa được thu hoạch, khoảng 1.700 – 2.000 ha lúa có nguy cơ bị ngập úng. Ngoài lúa, nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là hoa màu của người dân trên địa bàn đã bị gãy đổ, thiệt hại đáng kể do mưa lớn kéo dài.

 

Tại huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, mưa lớn kéo dài làm nhiều tuyến đường bị chia cắt. Theo thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa, tuyến đường Lìa bị ngập lụt tại nhiều điểm, tập trung ở các xã: Thanh, Thuận, A Xing, Ba Tầng… khiến người dân không thể ra vào. Trong đó, riêng tại hai xã Thuận và Thanh đã có 6 điểm bị ngập lụt cục bộ.

 

Ở thị trấn Lao Bảo, mực nước sông Sê Pôn vẫn đang dâng cao, đe dọa sự an toàn của người dân khóm Đông Chín, Duy Tân, Cao Việt, Ka Túp... Tương tự, trên địa bàn xã Tân Long, nếu mưa lớn còn tiếp diễn, nhà của nhiều hộ dân ở 4 thôn gồm: Long Yên, Long An, Long Gia, Long Thuận… cũng có nguy cơ bị ngập lụt.

 

Cũng như ở huyện Hướng Hóa, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện miền núi Đakrông đã bị chia cắt do mưa lớn kéo dài. Theo số liệu thống kê, trên các tuyến đường liên xã thuộc xã Ba Nang và Tà Long, có tổng cộng 7 điểm ngập lụt cục bộ. Cây cầu Ra Lây nằm trên tuyến đường dẫn vào xã Pa Nang bị hư hỏng nặng, khiến người và xe không qua lại được. Trong khi đó, tại cầu tràn nằm trên tuyến đường Ba Lòng – Hải Phúc, mực nước đã vượt ngưỡng 1m.

 

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua huyện Đakrông, nhiều điểm sạt lở khối lượng lớn nảy sinh, gây ách tắc giao thông. Tại Km 265+600, khoảng 200 m3 đất, đá đã sạt lở, tràn xuống lòng, lề đường, còn tại Km 287+420, có khoảng 100 m3 đất đá sạt lở xuống đường.

 

Trước tình hình thời tiết bất thuận, các cấp, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn đã chủ động vào cuộc, nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống thiên tai. Thông tin về áp thấp nhiệt đới sớm được chuyển tải đến tàu, thuyền của bà con ngư dân. Đến sáng 3.9.2019, có 2.297 tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh với 7.058 thuyền viên đã vào các nơi neo đậu an toàn. 15 chiếc tàu, thuyền của ngư dân Quảng Trị với 105 thuyền viên cũng đã kịp thời vào neo đậu tại các cảng cá ở tỉnh bạn. Cơ quan chức năng cũng đã kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho 74 chiếc tàu thuyền ngoại tỉnh với 522 thuyền viên vào neo đậu tránh, trú bão trên địa bàn.

 

Đặc biệt, tại huyện Hướng Hóa và Đakrông, các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc để đảm bảo cho sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, gần 100 hộ dân thị trấn Lao Bảo và các xã Thuận, Tân Long… đã được tuyên truyền, vận động, di dời đến nơi an toàn. Trong đó, riêng thị trấn Lao Bảo có 30 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu được di dời kịp thời.

 

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để có các biện pháp ứng phó hiệu quả. Ngoài 30 hộ dân được di dời kể trên, lãnh đạo UBND thị trấn còn vận động các hộ sống gần khu vực bị ngập lụt dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị tinh thần di dời khi cần thiết.

 

Ở xã Thuận, Đồn Biên phòng Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng di dời 21 hộ dân ở Bản 1 với 91 nhân khẩu đến nơi an toàn. Các cán bộ, chiến sĩ cũng đã giúp nhiều hộ dân ở 4 thôn có nguy cơ ngập lụt cao trên địa bàn xã Tân Long gồm: Long Yên, Long An, Long Gia, Long Thuận chuyển tài sản đến nơi an toàn.

 

Tại các điểm đập tràn có nước dâng cao, các tuyến đường giao thông có điểm bị sạt lở, chia cắt cục bộ, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng phối hợp chốt chặn, không cho người và phương tiện qua lại.

 

Trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua huyện Đakrông, hai điểm sạt lở nặng hiện đã được thông tuyến.

 

Q.H

383 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 637
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 637
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78074842