YÊU BÁC “ LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN” 

Vừa qua, Tạp chí Cửa Việt đã có bài trả lời phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

LTS: Cuối tháng 4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (gọi tắt là Chỉ thị số 05-CT/TW). Để đánh giá lại những kết quả từ thực tiễn đạt được, tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng, Tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, hiện nay toàn tỉnh đang triển khai công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Đồng chí có thể đánh giá việc triển khai ở Quảng Trị có những điểm sáng cần ghi nhận?

Cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời. Chính vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW phải được thực hiện hết sức bài bản, đồng bộ ở các chi bộ đảng, các cấp, các ngành, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Để đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên,  hàng năm vào dịp tháng 5, các chi bộ đảng trong toàn tỉnh đã tổ chức nền nếp việc sinh hoạt chuyên đề theo hình thức Diễn đàn về chủ đề học tập và làm theo Bác. Người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên lựa chọn các công việc, phần việc cụ thể gắn với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để đưa vào bản cam kết, đăng ký đầu năm; kết quả thực hiện là cơ sở để bình xét, phân loại đảng viên, công chức hàng năm; đồng thời gắn việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW phải được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XVI đến nay, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều lựa chọn chủ đề để tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, như: Năm 2016 “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; năm 2017 “Năm công tác cán bộ”; năm 2018 “Năm doanh nghiệp”; năm 2019 “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng tốc phát triển”; năm 2020 “Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá” và năm 2021 là: “Trách nhiệm, kỷ cương - Thu hút đầu tư - Tạo đà tăng trưởng”.

Từ những nỗ lực và cách làm sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp, các ngành trong tỉnh trong học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả khá toàn diện. Giai đoạn 2016 - 2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm môi trường biển, những diễn biến khó lường, phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân,  nhưng với khát vọng vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và chủ trương, chủ đề hằng năm được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế tỉnh nhà nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực cho sự phát triển, biến khó khăn, bất lợi thành tiềm năng, lợi thế của địa phương; đã xác định được vị thế và hướng phát triển cụ thể của tỉnh, từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội; nhiều chương trình, công trình, dự án trọng điểm đã được khởi động. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ; an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, thực hiện chính sách dân tộc được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần thu hút nguồn lực cho phát triển; bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt; đã đạt được mục tiêu là tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của cả nước. Kết quả, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2015 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25% so với nhiệm kỳ trước, GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020, gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Kết quả này đạt được trên nền tảng xác định đúng mục tiêu tất cả vì cơ sở, cán bộ về tận địa bàn để động viên, trực tiếp chỉ đạo các phong trào, các hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định về việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về dự sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư; thực hiện “Ngày thứ 7 vì Nông thôn mới”, “Ngày thứ 7 vì dự án động lực”. Ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện từ cán bộ, đảng viên bình thường đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh, lên đến Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thực hiện cam kết trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo chuyển động tích cực trong  hệ thống chính trị, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

PV: Một trong những nội dung thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được triển khai được Nhân dân rất quan tâm, chú ý là việc phát động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  Để việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện đi sâu vào lòng người không gì bằng thể hiện trên các tác phẩm VHNT. Đồng chí có đánh giá như thế nào về việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề ”Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn vừa qua?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất dể xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Không gì đẩy lùi cái xấu bằng chính cái đẹp; không gì thể hiện cái đẹp sâu sắc bằng VHNT. Hình tượng Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ nhiều tác phẩm có giá trị tỏa lan sâu rộng. Bởi như Nhạc sĩ Thuận Yến từng nói: “Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác nên chỉ cần một bài hát nào đó nói lên được những tình cảm ấy là họ chấp nhận ... Đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác”.

Hưởng ứng cuộc vận động của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị - mà chủ trì là Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 3 cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Ban Tổ chức đã trao 94 giải thưởng cho tác phẩm có chất lượng. Đặc biệt, dù là một tỉnh nhỏ nhưng Quảng Trị là một trong những địa phương được Ban chỉ đạo giải thưởng Trung ương xét tặng  nhiều giải thưởng nhất so với các tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mặc dù chưa có giải A, nhưng có thể khẳng định, qua các đợt tham gia cuộc vận động sáng tác này, ý nghĩa thực tiễn của các tác phẩm đối với việc động viên, khuyến khích, định hướng hành động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thể hiện rõ hơn. Tỷ lệ các tác phẩm đề cập đến các điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác tăng lên, nhất là lĩnh vực báo chí. Nhiều tác phẩm giới thiệu những bài học kinh nghiệm có tác dụng sâu sắc trong chỉ đạo thực hiện, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, có tác dụng động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Với sự tham gia đông đảo của đội ngũ văn nghệ sỹ, báo chí, các đơn vị thông tin, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,  Giải thưởng đã tạo ra sinh khí mới đối với hoạt động sáng tác, quảng bá về chủ đề này, qua đó, động viên, khuyến khích và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội, thể hiện sự kính trọng, tình cảm của văn nghệ sỹ, nhà báo đối với Bác; làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân. Với những tác phẩm đầy tâm huyết, trách nhiệm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cũng đã đóng góp tích cực vào việc quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Trị đến với bạn đọc trong, ngoài nước; đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Từ kết quả của 5 năm qua, vấn đề đồng chí quan tâm đối với công tác sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT  về chủ đề ”Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới như thế nào?

Đó chính là sự tìm tòi, sáng tạo mới trong hoạt động sáng tác. Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Do đó, việc tìm tòi trong chủ đề, lựa chọn nguyên mẫu để tái tạo thành các hình tượng sinh động, hấp dẫn người đọc, người xem... là việc làm mà mỗi một văn nghệ sĩ trăn trở, suy ngẫm để có thể cho ra đời những tác phẩm có chất lượng. Phát huy tính sáng tạo, ngoài trách nhiệm xã hội, còn là tình cảm kính trọng đối với Bác. Theo thời gian, cần phải triển khai đề tài ở những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc để làm phong phú, khẳng định sự trường tồn của những giá trị mang ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hiện nay, đời sống văn nghệ sĩ cũng có lúc gặp khó khăn, tuy nhiên đó chỉ là trở ngại chứ không phải là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Tôi nhớ có một câu chuyện do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật) kể: khi nghe một nghệ sĩ trẻ kêu ca về phương tiện nghèo nàn, khó khăn, Bác đã hết sức cảm thông, chia sẻ, nhưng rồi Người nói - từ trong cái khó, mới ló cái khôn - và cũng chính từ thời kỳ đó, nền nhiếp ảnh Việt Nam bắt đầu phát triển.

Văn nghệ sĩ vượt khó, sáng tạo trên cái nền tảng như thế nào? Nhân một lần đi xem tuồng, Bác có nói rằng: “Tuồng là tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến”, rồi Bác lại thâm thúy nói tiếp: “nhưng chớ gieo vừng ra ngô”. Càng ngẫm nghĩ lời Bác, chúng ta càng thấy thấm thía, càng thấy sâu sắc và từ thực tiễn hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quả thật, nhiều lúc chúng ta đã “gieo vừng ra ngô” mà không hề hay biết. Tôi nghĩ, vấn đề này không chỉ nói riêng với chủ đề về Bác mà là tất cả các chủ đề được văn nghệ sĩ quan tâm.

PV: Như vậy, để tránh quá trình sáng tạo, đổi mới gặp cảnh “gieo vừng ra ngô”, người nghệ sĩ phải có quan điểm nghệ thuật vững chắc?

Đúng vậy. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh về tính nhân dân trong nền văn hoá dân tộc, cốt lõi của nó chính là văn hoá, nghệ thuật phục vụ nhân dân. Người cho rằng, văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Do đó, nó phải “hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”. 

Văn hoá nghệ thuật phải phục vụ nhân dân nghĩa là trước hết cần phải đưa đông đảo nhân dân tham gia vào nền văn hoá của dân tộc. Và như thế, lịch sử văn hoá dân tộc mới được phát triển từ chiều sâu của nó, mới tạo ra sự phát triển từ truyền thống đến hiện đại, mới chống được văn hoá quan liêu và nhất là mới phát huy được toàn diện năng lực sáng tạo của nhân dân. Cùng viết về một đề tài, nhà văn, nhà thơ vẫn nêu lên được những vấn đề sâu sắc khác nhau, tùy thuộc vào tài năng, khả năng thâm nhập thực tế, vốn sống và lý tưởng thẩm mỹ của tác giả.

PV: Thưa đồng chí, bên cạnh mảng sáng tác, hiện nay văn nghệ sĩ cũng rất quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm đến với Nhân dân. Tác phẩm chỉ thực sự “sống” khi được công chúng tiếp nhận và hòa vào dòng chảy cuộc sống?

Đúng vậy, giữa sáng tác và quảng bá tác phẩm có mối liên hệ biện chứng với nhau, nếu chỉ có sáng tác mà không quảng bá hoặc quảng bá không tương xứng thì không thể tạo được hiệu ứng và tác động xã hội tích cực cũng như động viên khích lệ đối với văn nghệ sĩ. Công tác này trong thời gian tới cần được quan tâm. Điều đó, cũng cho thấy một phần trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc đăng tải các tác phẩm báo chí, tác phẩm VHNT. Đặc biệt là đối với Tạp chí Cửa Việt – diễn đàn văn hóa văn nghệ của tỉnh. Hội VHNT tỉnh phải là cơ quan chủ trì tham mưu việc quảng bá như thế nào cho sinh động, thu hút.

Tuy nhiên, không phải cứ tổ chức chương trình quy mô hoành tráng mới là quảng bá tốt. Một khúc hát, một bức ảnh, một bức tranh, một bài thơ, một tác phẩm sân khấu… khi được đăng tải trên mặt báo, được vang lên trong các buổi sinh hoạt văn nghệ… đã phát huy tốt đặc trưng loại thể trong vai trò lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lan tỏa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan tỏa cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ… tới cộng đồng; giúp đồng chí, đồng bào ta bồi đắp niềm tin yêu với Đảng, với lãnh tụ, niềm tự hào về dân tộc, nhân dân, thấu hiểu hơn những giá trị tươi đẹp của cuộc sống hôm nay, thêm động lực, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Để rồi từ những tác phẩm ngợi ca Người, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng: Yêu Bác “ lòng ta trong sáng hơn” (thơ Tố Hữu).

Xin cám ơn đồng chí đã có  những gợi mở, chia sẻ sâu sắc và tâm huyết dành cho lĩnh vực VHNT.

Phương Nam (thực hiện)

628 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 402
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 402
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78095074