TIẾP TỤC LÀM RÕ TÍNH SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA NGƯỜI 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; Người để lại cho các thế hệ mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại thì tính sáng tạo và đổi mới là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Người. Tầm tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ rệt ở những sáng tạo về chủ trương, đường lối cách mạng mà một trong những điểm rõ nhất là Người đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người còn thể hiện những sáng tạo độc đáo của mình trong phương pháp, biện pháp, bước đi của cách mạng. Để sáng tạo cái mới, không rơi vào máy móc và giáo điều cần phải đổi mới từ tư duy, nhận thức tới tổ chức và hành động. Tư tưởng đổi mới và sáng tạo của Hồ Chí Minh hình thành từ rất sớm, thể hiện qua những sự kiện và tác phẩm  tiêu biểu dưới đây.

Ngay từ năm 1925, trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một tác phẩm lý luận mác xít có tầm cỡ, khi nói về Nhà nước và pháp quyền, Người đã đề cập tới một luận điểm quan trọng: Phải thay thế việc ra các sắc lệnh bằng việc ban hành các đạo luật. Đó là một tư tưởng pháp quyền rất sâu sắc của Người. Sau này, khi chế độ dân chủ cộng hòa ra đời, Người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội. Đó là nền móng đầu tiên mà Người xây đắp cho nền dân chủ ở nước ta.

Sau đó, vào năm 1927, Người đã viết “Đường cách mệnh”, đó là tài liệu huấn luyện lớp cán bộ cách mạng đầu tiên, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng. Ở tác phẩm này, Người đặt “Tư cách của người cách mạng” lên vị trí hàng đầu, đã hình thành những tư tưởng về đạo đức cách mạng, về tính triệt để, “phải làm cách mạng cho đến nơi”, “giao quyền cho dân chúng số nhiều”, đảm  bảo cho nhân dân thực sự nắm quyền lực. Người đã chỉ ra những yêu cầu, chuẩn mực cần có của người cách mạng và đoàn thể cách mạng, trong đó cần phải giữ chủ nghĩa cho vững, phải ít lòng ham muốn về vật chất. Đó là mấu chốt cho sự nghiệp cách mạng thành công, không rơi vào tha hóa, biến chất. Quan niệm đổi mới và sáng tạo ấy của Người, nhìn vào thực tiễn phát triển cách mạng hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tính đúng đắn, thời sự và hiện đại. Trong tác phẩm này, khi bàn về hợp tác xã, từ lịch sử, lý luận và thực tiễn, từ hồi đó, Người đã hình dung hợp tác xã như một doanh nghiệp, có thể thuê giám đốc để điều hành, quản lý - điều mà ngay hiện nay, ta vẫn còn thấy hết sức mới mẻ.

Hai mươi năm sau, kể từ khi viết “Đường cách mệnh”, năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp  vừa  bắt đầu, chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó đặt vấn đề phải thực hành dân chủ và trau dồi đạo đức cách mạng, cải cách tổ chức và phương pháp công tác để khắc phục những thói tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, xa rời quần chúng. Ở tác phẩm đầu tiên nói về đổi mới khi chúng ta đã có chính quyền cách mạng này, Người đã nói tỉ mỉ, kỹ lưỡng, thấu đáo về 12 điều cần thiết đối với một Đảng cách mạng chân chính, đặc biệt là tư tưởng dựa vào dân mà xây dựng Đảng, dựa vào dân mà xây dựng đường lối chính sách, giáo dục cán bộ, uốn nắn tổ chức. Cũng trong năm 1947, Người còn viết tác phẩm “Đời sống mới”, đặt vấn đề đổi mới như một cuộc vận động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, thực hành đời sống mới thì phải giáo dục văn hóa cho toàn dân. Đáng lưu ý là ở chỗ, Người vạch rõ những chỉ dẫn khoa học và thực tiễn để xử lý đúng đắn quan hệ giữa cái  cũ  và  cái mới một cách biện chứng,  ý thức rõ rệt những khó khăn, phức tạp của cuộc đấu  tranh để hướng tới cái mới tiến bộ, phát triển, xóa bỏ cái cũ đã trở nên lạc hậu, lỗi thời. Những chỉ dẫn sâu sắc mà thiết thực đó của Người, đang trở nên có giá trị rất hữu ích  cho sự nghiệp đổi mới  hiện  nay của Đảng và nhân dân ta. Người viết: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì bỏ. Cái gì cũ mà hay   thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm...”. Người còn hình dung thấy  “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”. “Xây dựng đời sống mới, vì vậy là cả một cuộc vận động xã hội rộng lớn về văn hóa, lối sống mà cốt lõi của nó là đạo đức cách mạng. Nêu cao và thực hành cần kiệm liêm chính là nhen lửa cho đời sống mới”.

Đến năm 1949, Người viết tác phẩm “Dân vận”, một tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng đổi mới, tư tưởng dân chủ của Người. Trong tác phẩm cô đọng, hàm xúc này Người đã biểu đạt tối đa những tư tưởng lớn về đổi mới, cách tân của mình, làm rõ bản chất dân chủ của chế độ ta, nhà nước ta, bao nhiêu lợi ích và quyền lực đều là của dân, thuộc về dân, quyền hành và lực lượng đều ở trong dân, phải làm tốt công tác vận động quần chúng, không bỏ sót một người nào, một khả năng nào dù là nhỏ nhất. Việc dân vận thuộc về trách nhiệm của toàn Đảng, của toàn xã hội và của chính bản thân quần chúng nhân dân. “Phải làm dân vận với phong cách thiết thực, dân chủ, nói và làm đi đôi với nhau, óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm chứ không phải quan liêu hành chính, chỉ tay năm ngón, phải thật thà nhúng tay vào việc. Phải sửa chữa khuyết điểm sai lầm rất to, rất tai hại là coi thường công tác dân vận. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thìviệc gì cũng thành công”.

Cuối cùng  là  tác  phẩm “Di chúc”, Người viết từ năm 1965 cho tới khi qua đời vào năm 1969. Di chúc là những tổng kết và dặn dò, những trù tính cho công việc tương lai khi cách mạng miền Nam đã thắng lợi, nước nhà đã thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Di chúc được xem như một thiết kế chương trình hành động đổi mới, khẳng định quyết tâm không thay đổi về mục tiêu, lý tưởng mà chúng ta đã lựa chọn. Người nhấn mạnh trong Di chúc nhiều điều hệ trọng mà “Trước hết, nói về Đảng... Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người còn căn dặn: “Công việc đầu tiên là công việc với con người. Phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân... Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng ta ngày càng đi vào chiều sâu, tuy nhiên trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận đang diễn ra gay gắt và quyết liệt, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá Đảng và chế độ ta với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, khi tiếp nhận những thông tin ngược chiều, phản bác, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì yêu cầu của công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng đã và  đang  đặt ra một cách cấp thiết phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh một cách toàn diện, triệt để, trong đó tính sáng tạo và đổi mới có giá trị lớn lao trong di sản của Người./. Quốc Thanh

 

4003 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78060297