Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển 

Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã nhất trí đưa ra kết luận do Chủ tịch IADL, Edre Olalia trình bày, theo đó cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự ổn định và tăng cường hợp tác nhiều mặt tại Biển Đông.
Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 22/6, tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội (INION) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (RAN) ở thủ đô Moskva, đã diễn ra hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Hội thảo do Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL), Quỹ Quốc tế Con đường Hòa bình của Liên bang Nga và INION phối hợp tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia luật, chuyên gia về Biển Đông của Liên bang Nga, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ.

Đoàn Hội Luật gia Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh dẫn đầu.

[Họp LHQ: Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông]

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc INION, Viện sỹ Thông tấn Alexey Kuznetsov cũng như Giáo sư, Tiến sỹ luật Irina Umnova, Chủ tịch Quỹ Quốc tế Con đường Hòa bình đều cho rằng sự kiện này có rất nhiều ý nghĩa, khi tạo ra diễn đàn để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông, cũng như ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng trên thực địa.

Hội thảo gồm 6 chủ đề lớn trong đó chủ đề đầu tiên là tổng quan tình hình Biển Đông và đánh giá về hiệu quả của hợp tác quốc tế và khu vực do Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm ASEAN, Australia và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông trực thuộc RAN trình bày.

Trong tham luận, Tiến sỹ Mosyakov đánh giá cao chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh các hoạt động quân sự về mặt nguyên tắc.

Trong bài tham luận “Lẽ phải của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông,” Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh khẳng định chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định để phát triển, cơ sở các chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn lịch sử, đồng thời các nỗ lực của Việt Nam cũng đóng góp cho sự phát triển của Biển Đông và khu vực.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ Luật Irina Umnova đã nêu ví dụ về giải quyết vấn đề biển của các nước ven biển Caspian.

Nhờ thỏa thuận được ký năm 2018, giờ đây các nước Caspian đã phi quân sự hóa được khu vực này, biến vùng biển này thành khu vực hướng tới phát triển và thịnh vượng.

Trong khi đó, luật sư Edre Olalia, Chủ tịch IADL, Chủ tịch Liên minh Luật sư Nhân dân Quốc gia Philippines nhất trí với quan điểm cần đẩy mạnh và hoàn tất các sáng kiến hiện có, giải quyết vấn đề ở Biển Đông một cách chủ động và có nguyên tắc, với ưu tiên là đạt được một giải pháp hòa bình được tất cả các bên chấp nhận, chủ yếu giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền.

Hội thảo đã nhất trí đưa ra kết luận do Chủ tịch IADL, Edre Olalia trình bày, theo đó cần tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự ổn định và tăng cường hợp tác nhiều mặt tại Biển Đông, nỗ lực thúc đẩy các giải pháp toàn diện (bao gồm việc gia tăng hàm lượng các giải pháp pháp lý, thúc đẩy các hợp tác chung trên thực địa như tuần tra chung, tiếp tục xây dựng lòng tin và phi quân sự hóa để giảm căng thẳng, tranh thủ nhiều hơn các diễn đàn hợp tác, thu hút quan tâm ở các khuôn khổ rộng lớn như Liên hợp quốc...), trong đó ASEAN cần tăng hợp tác nội khối về vấn đề này, đồng thời xử lý khéo các nhân tố như cạnh tranh nước lớn.../.

Duy Trinh-Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)

 

123 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 581
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 581
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77464880