Những nguy cơ hiện hữu
|
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
*Trong tuần qua, thế giới chứng kiến các xu thế dịch bệnh đáng lo ngại tại các châu lục và khu vực. Số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới tăng vọt trở lại và đang tiến sát ngưỡng 595 triệu ca nhiễm. Trong đó, châu Á là khu vực đã nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đứng đầu thế giới. Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục là biến thể chủ đạo gây bệnh trên toàn cầu khi gây ra khoảng 70% trong tổng số ca nhiễm mới. Điều này đang đặt ra tính cấp thiết cho các nước trong đẩy mạnh việc tiêm mũi vaccine tăng cường (thứ 3, thứ 4) người dân bởi cho tới nay, vaccine ngừa COVID-19 vẫn là vũ khí quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch.
*Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/8 cho biết, bệnh đậu mùa khỉ đã gây ra 4 ca tử vong bên ngoài châu Phi, trong đó có 2 ca ở Tây Ban Nha. Theo WHO, lần đầu tiên, các ca tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo ở các nước ngoài khu vực châu Phi, ở Tây Ban Nha (2 ca tử vong), Brazil (1 ca tử vong) và Ấn Độ (1 ca tử vong). Báo cáo dịch tễ học mới nhất về căn bệnh này chỉ rõ trong hai trường hợp, các ca tử vong có liên quan đến bệnh viêm não do virus và một số bệnh nhân có tình trạng ức chế miễn dịch tiềm ẩn.
Tính trên toàn thế giới, từ đầu tháng 5 đến nay, gần 28.000 trường hợp đã được phát hiện. Hiện bệnh đã có mặt tại 89 quốc gia/vùng lãnh thổ trong 6 khu vực của WHO. Số ca nhiễm mới tăng gần 75%. Tổng cộng đã có 11 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.
*Cũng trong tuần qua, báo chí nước ngoài đưa tin về hàng chục người Trung Quốc bị nhiễm virus mới thuộc họ Henipavirus có nguồn gốc từ động vật (còn có tên là Langya henipavirus, LayV) có thể lây nhiễm sang người đã được tìm thấy ở tỉnh Sơn Đông và tỉnh Hà Nam của Trung Quốc.
Cho đến nay virus này đã lây nhiễm cho 35 người ở hai tỉnh trên, theo một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Mầm bệnh được tìm thấy trong mẫu dịch ngoáy họng của các bệnh nhân có triệu chứng sốt, có tiền sử tiếp xúc với động vật trong thời gian gần đây.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Henipavirus có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người, với tỉ lệ tử vong theo trường hợp từ 40-75%. Con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong của virus corona và hiện chưa có thuốc điều trị hay chủng ngừa.
Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình Trung Đông và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia
|
Người biểu tình Palestine đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Nablus, Bờ Tây, ngày 9/8/2022. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
*Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 8, ngày 9/8, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân đã chủ trì cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, bao gồm cả vấn đề Palestine.
Nhân dịp này, ông Trương Quân kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có tầm nhìn dài hạn, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và thực hiện các nỗ lực ngoại giao với tinh thần khẩn trương, đảo ngược các xu hướng tiêu cực trên thực địa, khôi phục tiến trình hòa bình càng sớm càng tốt và thực hiện các bước đi thực chất nhằm thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, để từ đó người dân Palestine có thể được hưởng đầy đủ các quyền công dân, và một giải pháp toàn diện, công bằng, lâu dài cho vấn đề Palestine có thể đạt được trong thời gian sớm nhất. Hội đồng Bảo an có nhiệm vụ phải theo dõi sát tình hình và ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột khi ở thời điểm hiện nay, tình hình tại thực địa vẫn rất "mong manh."
Các nhận định trên được đưa ra 2 ngày sau khi sau khi Israel và PIJ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài suốt 3 ngày khiến 44 người Palestine thiệt mạng, 360 người bị thương và nhiều nhà cửa bị phá hủy.
*Hội đồng Bảo an LHQ vào rạng sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam) đã phải triệu tập phiên họp khẩn cấp kêu gọi các bên đảm bảo an toàn cho nhà máy này. Cuộc họp diễn ra theo đề nghị của Nga nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine khi cả hai phía Nga và Ukraine đang cáo buộc lẫn nhau ném bom nhà máy này.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo, tình hình ở khu vực nhà máy Zaporizhzhia rất đáng quan ngại và các chuyên gia của IAEA cần phải được tiếp cận khu vực này để xem xét tình hình.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ tháng 3 vừa qua. Trong những ngày gần đây tại khu vực này xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Các nước thành viên LHQ đều bày tỏ quan điểm phải đảm bảo an toàn, an ninh cho bất cứ cơ sở sản xuất hạt nhân nào ở Ukraine nhằm tránh xảy ra thảm họa hạt nhân đối với loài người, đặc biệt là với những người dân đang sống trong vùng chiến sự giao tranh.
Vụ cháy kho dầu lớn nhất Cuba đã được dập tắt
|
Một bể chứa dầu thô trong khu công nghiệp gần thành phố Matanzas của Cuba bị sét đánh trúng gây cháy lớn. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Chính phủ Cuba ngày 12/8 tuyên bố đã dập tắt vụ hỏa hoạn tại kho chứa nhiên liệu bên Vịnh Matanzas, thảm họa công nghiệp kinh hoàng nhất trong lịch sử đảo quốc Caribe này.
Trong một thông báo trên Twitter, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết đám cháy được dập tắt vào lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương) và ngay sau đó khoảng 60 chuyên gia pháp y đã tiến sâu vào hiện trường để tìm kiếm những người mất tích.
Cũng trong ngày 12/8, Bộ Y tế Cuba thông báo đã phát hiện thêm một phần hài cốt của 4 người lính cứu hỏa trong số những nạn nhân mất tích trong thảm họa nêu trên.
Như vậy, vụ hỏa hoạn tại khu công nghiệp Matanzas đến nay đã khiến 6 người thiệt mạng, 10 người mất tích và 132 người bị thương.
Vụ hỏa hoạn bùng phát tối 5/8 (giờ địa phương) khi một bể chứa dầu thô dung tích 50.000 m3 (tương đương kích thước của 20 bể bơi tiêu chuẩn Olympic) trong khu công nghiệp gần thành phố Matanzas của Cuba bị sét đánh trúng gây cháy lớn. Bất chấp những nỗ lực phối hợp của nhiều lực lượng và sự hỗ trợ quốc tế, ngọn lửa tiếp tục lan rộng và tàn phá 4 trong số 8 bể chứa tại kho nhiên liệu nói trên, một trong những cơ sở hạ tầng chiến lược của đất nước.
OPEC lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022
|
Một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Almetyevsk, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN) |
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/8 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 lần thứ ba kể từ tháng 4/2022, viện dẫn tác động kinh tế của căng thẳng Nga-Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Quan điểm của OPEC trái ngược với quan điểm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khi trước đó cùng ngày cơ quan này đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Và OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,7 triệu thùng/ngày.
Việc sử dụng dầu đã tăng trở lại sau giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch và dự kiến vượt mức của năm 2019 trong năm nay ngay cả sau khi giá chạm mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, giá dầu thô cao và tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng năm 2022.
Trong báo cáo, OPEC cho biết các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ lên mức trước đại dịch trong hầu hết nửa đầu năm 2022 bất chấp các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới.
Bên cạn đó, OPEC cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 3,5% xuống 3,1% và hạ mức tăng trưởng cho năm 2023 xuống 3,1%, vì triển vọng kinh tế suy yếu hơn nữa vẫn còn. Giải thích về việc hạ dự báo lần này, OPEC cho biết các nền kinh tế lớn chứng kiến tăng trưởng quý II/2022 yếu hơn cùng kỳ, và có dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy giảm hơn nữa. Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy, đại dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực và việc một số ngân hàng trung ương dự báo tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)./.