SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI: CÁI GỐC VẪN LÀ Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, VÌ LỢI ÍCH CHUNG 

Một thời gian dài ở nước ta, không ít người tự tung tự tác viết lên các trang mạng xã hội những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc, chính kiến của mình trước những vấn đề, sự kiện, hay bình luận về uy tín, phẩm chất, lối sống của người này người khác. Mạng xã hội trở thành nơi giao tiếp, chia sẽ thông tin, trong đó cái sai, cái đúng, cái lý, cái tình, cái được, cái mất, cái thương xót, đồng cảm, cái lên án… đôi khi không được cộng đồng mạng đánh giá đúng mức, không được kiểm chứng, xác thực, và, cũng không ít vấn đề đi vào ngõ cụt để lại sự hụt hẫng cho người đọc, người nghe. Đây là nguyên nhân làm nảy sinh sự không trong sạch trên môi trường mạng và đã tác động đến nhận thức, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân.

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho xã hội, ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14). Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan. Các văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành triển khai hướng dẫn thực hiện và đã mang lại những kết quả thiết thực, ít ra cũng hạn chế hành vi tự tung tự tác, thiếu trách nhiệm khi đăng tải lên mạng xã hội những lời bình luận thiếu thiện chí về hình ảnh con người, đất nước, về văn hóa, lịch sử dân tộc, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về uy tín, phẩm chất của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta…

Tuy vậy, lối ứng xử thiếu văn hóa, tùy tiện phát ngôn, nói sai sự thật, thông tin giả, quảng cáo không đúng về sản phẩm đâu đó cũng không ít diễn ra trên mạng xã hội (MXH). Nhằm hướng đến hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam,        ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 847/QĐ-BTTTT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Đồng thời, Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hiện nay,  MXH phát triển mạnh mẽ và trở thành một kênh thông tin quan trọng trong giao tiếp thông tin, đem tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, gần như tức thời; nội dung phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn. Nếu được sử dụng phù hợp, đúng mục đích, MXH giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả; đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, thông tin trên MXH nhanh, nhiều nhưng lại khó kiểm soát, khiến người dùng có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi nhiều thông tin không được kiểm chứng. Nhất là, những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bộ quy tắc ứng xử trên MXH giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử trên môi trường Internet. Hiện tượng lạm dụng MXH để phát ngôn tiêu cực hay vu khống, bôi nhọ cá nhân… không hề mới nhưng lại là vấn đề mà nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đều chưa có kinh nghiệm, nên rất cần có sự hướng dẫn. Vì vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, Bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên cách hành xử của mỗi cá nhân trên MXH phụ thuộc vào chính nhận thức của họ. Để Bộ quy tắc ứng xử đem lại hiệu quả thực tế, cần có thêm nhiều yếu tố khác như: hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng mạng và đặc biệt cần nâng cao năng lực số cho người dân.

Bộ quy tắc sẽ tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có cơ sở phản hồi ý kiến trên MXH liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình. Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó đã tạo khuôn khổ quan trọng để các cơ quan nhà nước ban hành những chính sách cụ thể trong việc ứng xử trên MXH. Đồng thời, việc cơ quan nhà nước thực hiện tốt Bộ quy tắc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Tuy vậy, các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên MXH, hành vi ngôn ngữ, hình ảnh thiếu văn hóa trên không gian mạng. Mặt trái của MXH sẽ luôn tồn tại và không thể xóa bỏ, mà chỉ có thể hạn chế nó. Bộ quy tắc ứng xử trên MXH ra đời chính là nhằm tiếp tục nâng cao ý thức, sự hiểu biết của cộng đồng mạng, “thanh lọc”, xử lý “ô nhiễm” trên không gian mạng, tạo những thói quen tích cực trong ứng xử trên MXH, góp phần xây dựng một môi trường MXH an toàn, lành mạnh và văn minh hơn ở Việt Nam trong thời gian tới. Với Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được ban hành, Việt Nam có thêm một “thể chế mềm” để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.

Để góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được ban hành, công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần chú trọng  thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Từ đó, giúp người dân hiểu và thực hiện đúng các quy tắc khi tham gia MXH, phát huy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với thông tin trên MXH.

Đặc biệt là, thông tin, tuyên truyền, chuyển tải các tin, bài đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị về nội dung của Bộ quy tắc. Để chống phá việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, không ít đối tượng đã dùng những luận điệu xuyên tạc để gây hoang mang dư luận. Vì vậy, cần tuyên truyền để khẳng định rõ Bộ quy tắc này không nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân./. Văn Lãn

 

 

2451 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 660
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 660
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78068613