Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, ra sức giữ gìn và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp 

(QT) - Lễ hội “Thống nhất non sông”- 2017 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2017), 45 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ bi tráng. Đây là dịp để ôn lại ký ức của một thời lịch sử hào hùng của đất nước, quê hương, tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh vô giá của đồng bào, đồng chí hai miền Nam-Bắc để thực hiện khát vọng thiêng liêng cháy bỏng “ Độc lập, tự do và thống nhất đất nước”, nhân sự kiện trọng đại này, Báo Quảng Trị trân trọng giới thiệu diễn văn của đồng chí NGUYỄN VĂN HÙNG, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại lễ thượng cờ - Lễ hội thống nhất non sông - 2017.

Kính thưa đồng chí : Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

 

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng ; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương.

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

 

Kính thưa các đồng chí đại biểu cùng toàn thể đồng bào.

 

Trong dòng chảy của những ngày tháng Tư lịch sử, đã trở thành thông lệ vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4 hàng năm, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ hội cách mạng “ Thống nhất non sông ”. Đặc biệt Lễ hội “Thống nhất non sông” năm nay được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2017), 45 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ bi tráng, là dịp để cùng nhau ôn lại ký ức của một thời lịch sử hào hùng của đất nước, quê hương, tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh vô giá của đồng bào, đồng chí hai miền Nam-Bắc để thực hiện khát vọng thiêng liêng cháy bỏng “ Độc lập, tự do và thống nhất đất nước”; đồng thời tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là một khối thống nhất không có gì chia cắt được như Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

 

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các hoạt động kỷ niệm theo hướng thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trong dịp 30/4 năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quyết định tổ chức Lễ hội “ Thống nhất non sông” quy mô cấp tỉnh với các hoạt động chính như sau:

 

- Tổ chức Lễ Thượng cờ tại Kỳ đài lịch sử đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải.

- Viếng nghĩa trang, tri ân các anh hùng liệt sỹ.

- Tổ chức Chương trình nghệ thuật “ Ký ức những dòng sông”.

 

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện lực lượng vũ trang, các cựu chiến binh và đông đảo đồng bào, đồng chí đã có mặt trong lễ hội đầy ý nghĩa này. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí đại biểu khách quý và đồng bào, đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

 

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

 

Ngược dòng lịch sử trở về với quá khứ, năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hoà của tỉnh Quảng Trị làm ranh giới hai miền. Cuộc phân ly tạm thời tưởng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm. Cũng từ đây, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương “nối hai miền thương nhớ” trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc.

 

Toàn cảnh  Lễ thượng cờ. Ảnh: Chí Linh

 

Trên mảnh đất Quảng Trị, thực hiện âm mưu chiến lược tạo “lá chắn thép” nhằm ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng và sự chi viện của miền Bắc XHCN cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai  đã tập trung xây dựng một bộ máy ngụy quyền khét tiếng tàn bạo, với một hệ thống đồn bốt dày đặc, cùng với căn cứ, sân bay, hải cảng quân sự và hệ thống hàng rào điện tử Mc.Namara hiện đại, triển khai mọi kiểu chiến tranh, mọi thủ đoạn bình định “tố cộng”, “diệt cộng”, biến Quảng Trị thành vùng đất lửa, nơi thử nghiệm các loại vũ khí và các kiểu chiến tranh hiện đại nhất.

 

Vượt lên mọi đau thương mất mát, tàn khốc của cuộc chiến, với nghĩa khí trung dũng, kiên cường “ Một tấc không đi, một ly không rời”, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị muôn người như một, sát cánh với các lực lượng vũ trang của Đảng tạo nên sức mạnh vô biên, chiến đấu và chiến thắng, góp phần đập tan các kiểu chiến lược chiến tranh, chặn đứng mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. “Gươm nào chém được dòng Bến Hải; lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”, sông Bến Hải đêm đêm vẫn tấp nập những chuyến đò chuyển quân từ “luỹ thép” Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền Nam ruột thịt.

 

Gần 7 vạn quân và dân Vĩnh Linh vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc đầu cầu xã hội chủ nghĩa. Sừng sững hiên ngang giữa mưa bom, bão đạn của quân thù lá cờ Tổ quốc - nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của cả dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm, đào địa đạo, lập “làng hầm”, vừa chiến đấu, vừa sản xuất giỏi, tiếp lương tải đạn cho Cồn Cỏ- hạm đội xanh vững vàng đối mặt với kẻ thù giữa biển khơi; làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Thực hiện kế hoạch K8, K10 đầy gian khổ, hy sinh, đưa hơn 5 vạn thiếu nhi, người già yếu ra các tỉnh miền Bắc để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt.

 

Phía Nam sông Bến Hải, quân và dân Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Hà, Hướng Hoá ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bám đất, giữ làng, chiến đấu ngoan cường trước họng súng quân thù.

 

Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng toàn miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, quân và dân Quảng Trị đã giáng quả đấm sấm sét tiêu diệt địch ở Làng Vây, tập trung vây ép địch ở Khe Sanh, thọc sâu, đánh mạnh vào thị xã, thị trấn và vùng lân cận, tiêu diệt một bộ phận cứ điểm quan trọng sinh lực địch, góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. 

 

Đầu xuân 1971, phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và quân, dân nước bạn Lào, quân dân Quảng Trị đã chiến đấu ngoan cường, đầy mưu trí, sáng tạo, góp phần đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719, làm thất bại âm mưu thử nghiệm chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - ngụy, làm nên chiến thắng oanh liệt đường 9- Nam Lào.

 

Trước thời cơ và thuận lợi mới, để đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước, tạo đà tiến công mạnh mẽ, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Trị Thiên năm 1972. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tiến công giải phóng được phát ra.

 

Trước sức mạnh áp đảo của những đòn tiến công dồn dập, bất ngờ của các binh đoàn chủ lực, quân và dân Quảng Trị đã tranh thủ thời cơ, phối hợp chiến đấu, dũng mãnh tiến công vào sào huyệt địch. Cùng với Thừa Thiên - Huế, cùng với cả miền Nam ruột thịt, Quảng Trị đã nhất loạt tiến công, giải phóng lần lượt các huyện, thị trong tỉnh; đến ngày 1/5/1972, quê hương Quảng Trị anh hùng được giải phóng.

 

Trước thảm bại để Quảng Trị thất thủ, âm mưu của Mỹ- ngụy là phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị để giành lợi thế trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Kẻ thù điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất; tập trung hỏa lực cả không quân và hải quân, chúng tổ chức thành 2 hướng tiến công hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị.

 

Với tham vọng và nỗ lực rất lớn của cả Mỹ lẫn quân đội Sài Gòn, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là thị xã, Thành Cổ Quảng Trị trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè đỏ lửa năm 1972.

 

Cuộc chiến đấu kiên cường  81 ngày đêm chống địch phản kích bảo vệ thị xã Quảng Trị, Thành Cổ Quảng Trị đã viết nên khúc tráng ca về một Thành cổ anh hùng, ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc. Dòng sông Thạch Hãn lịch sử đã trở thành chiến tuyến quân sự chống địch tái chiếm Quảng Trị năm 1972 trong 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành cổ.

 

 Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông Thạch Hãn bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình? Điều này được lý giải rằng, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi Tổ quốc lâm nguy.

 

Sau Hội nghị Paris, dòng sông Thạch Hãn được chọn làm ranh giới phân chia của 2 bên; giới tuyến quân sự ấy kéo dài cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

Với thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường  81 ngày đêm chống địch phản kích bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị của quân và dân ta, đã tác động trực tiếp làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, góp phần tạo nên thế và lực mới trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

21 năm ròng rã thực hiện lời thề với Bác: “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao” đã tạo một niềm tin, sức mạnh cho của cả dân tộc viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa bỏ sự chia cắt đau thương, non sông nối liền một dải, để “Bắc Nam sum họp một nhà” đoàn tụ,  đoàn viên, thống nhất. Quảng Trị tự hào góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên mốc son lịch sử thiêng liêng này.

 

Kính thưa các đồng chí, cùng toàn thể đồng bào!

 

Chiến tranh đã lùi dần vào dĩ vãng, nhưng những ký ức về những năm tháng hào hùng, vẻ vang ấy vẫn còn sống mãi trong mỗi trái tim những người con đất Việt. Bến Hải - Hiền Lương, Thành Cổ, Thạch Hãn khắc ghi vào lịch sử của dân tộc và tiềm thức nhân loại như một bản hùng ca bất tử, minh chứng cho chân lý “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác Hồ vĩ đại.

 

45 năm sau ngày quê hương được giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, Ban, ngành Trung ương; sự cổ vũ và giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn, của đồng bào và chiến sĩ cả nước; của các tổ chức và bạn bè quốc tế; của những người con Quảng Trị sinh sống, làm ăn ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài, trên tinh thần phát huy mọi tiềm năng, nội lực, đi lên từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và dân Quảng Trị đã từng bước khắc phục những khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng  rất đáng tự hào.

 

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua đạt 7,4%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16,6%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng lên. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản lượng lương thực đạt trên 26 vạn tấn, với giá trị bình quân trên 60 triệu đồng/ha canh tác.

 

Các đại biểu dự lễ hội. Ảnh: Chí Linh

 

Toàn tỉnh có 31 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chiếm 26,5% tổng số xã. Sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tiếp tục được đầu tư. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng xã hội được nâng cấp và xây dựng mới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,94%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận trong xã hội được củng cố.

 

Những thành quả đó chính là kết tinh của cội nguồn truyền thống quê hương, của sự hy sinh xương máu của bao nhiêu thế hệ đi trước vì độc lập, tự do của Tổ quốc; của sự nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, thử thách của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương.

 

Trong thời khắc có ý nghĩa này, dưới chân Kỳ đài lịch sử, bên dòng sông Bến Hải hiền hoà, bên cầu Hiền Lương 7 nhịp mang ý nghĩa của “ Cây cầu lịch sử, cây cầu của khát vọng thống nhất đất nước”, chúng ta được sống lại với không gian lịch sử, ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang nhưng cũng thấm đẫm máu xương và nước mắt. Chúng ta về đây để tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hi sinh to lớn của thế hệ cha anh đã bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, ra sức gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp; nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng và bảo vệ quê hương; biến niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương thành sức mạnh mới, tập trung triển khai thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, phấn đấu đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. 

 

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện lực lượng vũ trang, các cựu chiến binh và đông đảo đồng bào, đồng chí đã về với Quảng Trị trong những ngày tháng 4 lịch sử đầy ý nghĩa này.

 

Xin kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí và đồng bào sức khỏe, hạnh phúc.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

 

* Đầu đề do tòa soạn đặt

 
 
1718 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 583
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 583
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77202202