Những thách thức trong công tác dân số của tỉnh Quảng Trị  

(QT) - Công tác dân số được Đảng, Nhà nước ta xác định là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Để góp phần thực hiện chiến lược dân số-KHHGĐ, năm 2010 HĐND tỉnh Quảng Trị (khóa V) đã ban hành Nghị quyết 06 về chính sách Dân số-KHHGĐ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

 

Tuyên truyền thực hiện chính sách dân số ở các trường phổ thông

 

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 06/HĐND tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật: Tỉ suất sinh giảm từ 18,1%o (năm 2010) xuống còn 15,7%o năm 2016, bình quân mỗi năm giảm 0,4% (mục tiêu nghị quyết là giảm 0,5%o); tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,3% xuống còn 1,08% (mục tiêu dưới 1%); tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 22,5% xuống còn 18,3% (nghị quyết đề ra dưới 18%). Tỉ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai đạt 69% năm 2016 (mục tiêu 75%). Tổng tỉ suất sinh giảm từ 2,86 con (2009) xuống còn 2,48 con năm 2016, bình quân giảm 0,06 con/năm.

Tuổi thọ đạt mức bình quân trên 68 tuổi. Bình quân mỗi năm có khoảng 50 thôn, bản, làng, khu phố phát động xây dựng mô hình làng không sinh con thứ 3 trở lên. Cùng với những kết quả trên, tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Hiện có 100% trạm xá xã có nữ hộ sinh và được đào tạo cấp giấy chứng nhận thực hiện dịch vụ KHHGĐ; 100% trạm y tế xã có khả năng tự cung cấp các dịch vụ như đặt vòng tránh thai, tiêm thuốc tránh thai và 27% trạm y tế xã thực hiện được dịch vụ cấy thuốc tránh thai.

Thực hiện Nghị quyết 06/HĐND tỉnh, trong những năm qua đã tăng cường hỗ trợ cho các cộng tác viên (CTV) dân số thôn, bản, khu phố, cụm dân cư. Từ năm 2010 chính sách hỗ trợ cho CTV được nâng lên 150.000 đồng/tháng, trong đó Trung ương hỗ trợ 100.000 đồng, tỉnh 50.000 đồng, hàng năm có 634 CTV dân số được mua thẻ BHYT tự nguyện, chiếm tỉ lệ 39% CTV dân số toàn tỉnh. Đối với những cán bộ chuyên trách dân số xã nếu không đủ điều kiện tuyển dụng vào viên chức cấp xã thì được bố trí kinh phí giải quyết chế độ nghỉ việc.

Cũng từ nguồn kinh phí của Nghị quyết 06, hàng năm có nguồn lực để thực hiện chính sách khám, điều trị phụ khoa cho phụ nữ tại 70 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biển, địa bàn có mức sinh cao; hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại các địa bàn vùng đồng bào thiểu số; tổ chức đào tạo cho 100% cán bộ y tế thực hiện dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ từ huyện đến xã thuộc huyện Hướng Hoá, Đakrông về kỹ thuật cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Tổ chức đào tạo kỹ năng tư vấn, truyền thông về DS-KHHGĐ cho 100% viên chức dân số xã và CTV dân số tại hai huyện miền núi Hướng Hoá, Đakrông. Khen thưởng làng không sinh con thứ 3 trở lên với kinh phí hơn 2,6 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 79 làng duy trì từ 3 năm liên tục và 34 làng duy trì từ 5 năm trở lên không có người sinh con thứ 3. Những kết quả đạt được về công tác dân số trong thời gian qua bên cạnh sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, một phần khác là nhờ nguồn lực đầu tư của trung ương và địa phương.

Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh ngày 18/7/2017, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong giai đoạn 2011- 2016 ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác dân số-KHHGĐ là hơn 47,9 tỉ đồng, trong đó trung ương 32,7 tỉ đồng; địa phương 15,199 tỉ đồng. Tuy đạt được một số kết quả, song công tác dân số-KHHGD trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là mức sinh vẫn còn cao và chưa bền vững.

Theo báo cáo của Sở Y tế trong giai đoạn 2011-2015 cơ bản khống chế, duy trì mức sinh, tuy nhiên Quảng Trị đang thuộc nhóm có mức sinh cao của cả nước. Tổng tỉ suất sinh đang ở mức 2,48 con (trong lúc bình quân chung cả nước là 2,09 con). Mức sinh ở Quảng Trị chưa giảm vững chắc, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức trên 18,3% (bình quân chung cả nước là 15,2%). Cơ cấu dân số có nhiều thay đổi: Nhóm dân số từ 15-59 tuổi chiếm gần 63,1% tổng dân số của tỉnh, đây là cơ cấu dân số trẻ cũng có nghĩa là tiềm năng sinh sản lớn, làm cho dân số tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,9%, trong đó từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,1% tổng dân số; tỉnh Quảng Trị đã bước vào giai đoạn già hoá dân số. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2010 tỉ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 109 bé trai/100 bé gái và không ngừng tăng qua từng năm, đến năm 2016 đã ở mức 112,5 bé trai/100 bé gái (bình quân cả nước là 112,2 bé trai/100 bé gái). Dân số của tỉnh không ngừng gia tăng trong lúc tuổi thọ của người dân vẫn đang ở mức thấp (hơn 68 tuổi), thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (73 tuổi).

Các tố chất về tầm vóc, thể lực hạn chế; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được cải thiện nhưng vẫn còn cao, nhất là trẻ suy dinh dưỡng về chiều cao. Ngành Y tế và những người làm công tác dân số cũng cảnh báo về tình trạng quan hệ tình dục sớm, nhiều bé gái có thai ở tuổi vị thành niên; tình trạng ly hôn, ly thân trong giới trẻ có xu hướng tăng. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại.

Một khó khăn khác đó là nguồn lực đầu tư cho công tác dân số-KHHGĐ thông qua chương trình mục tiêu y tế- dân số bị cắt giảm nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong giai đoạn mới cũng như đặc thù của địa phương. Do không còn chương trình mục tiêu quốc gia dân số-KHHGD nên Bộ Y tế chủ trương chuyển nhiều chính sách hỗ trợ các hoạt động dân số-KHHGD về địa phương đảm bảo, trong lúc nguồn thu của địa phương còn thấp. Đó là một thực tế đáng lo ngại.

Những con số sau đây cho thấy mức đầu tư cho công tác dân số giảm dần qua từng năm: Năm 2012 trung ương đầu tư 8,095 tỉ đồng, địa phương 2,1 tỉ đồng. Năm 2015 ngân sách của trung ương 3,96 tỉ đồng; địa phương 3,2 tỉ đồng. Năm 2016 nguồn ngân sách từ trung ương 1,984 tỉ đồng; địa phương 1,988 tỉ đồng. Trước thực trạng này, Sở Y tế đã xây dựng đề án chính sách dân số- KHHGĐ giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030, được kỳ họp thứ 5-HĐND tỉnh thông qua (với tên gọi Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 -2020, tầm nhìn đến năm 2030).

Mục tiêu chung của đề án là tiếp tục nỗ lực giảm sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; duy trì thực hiện chính sách của địa phương đã thực hiện trong giai đoạn 2010-2017...

Như vậy cho thấy trong lúc nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện chính sách dân số với mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước thì tỉnh Quảng Trị đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Vì thế trong công tác dân số, tỉnh đang kiên trì thực hiện các mục tiêu mang tính truyền thống như giảm tỉ lệ sinh, duy trì mức sinh thay thế (cả nước đã đạt mức sinh thay thế năm 2006), hạn chế người sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao tuổi thọ của người dân lên mức trung bình cả nước. Giải quyết tốt những vấn đề trên, tỉnh Quảng Trị mới hy vọng theo kịp sự phát triển với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

PA

 

 

5186 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 599
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 599
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78099125