Nhìn lại thế giới năm 2021: Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy đoàn kết 

Nhìn lại năm 2021 đầy biến động, không thể phủ nhận vai trò trụ cột của Liên hợp quốc trong nỗ lực đoàn kết các quốc gia cùng nhau ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu.
Nhìn lại thế giới năm 2021: Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy đoàn kết

Thế giới đang tiến tới gần những ngày cuối cùng của năm 2021 đầy biến động và thách thức.

Nhìn lại 10 ưu tiên mà người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres đặt ra hồi đầu năm, không khó để nhận thấy còn quá nhiều vấn đề chưa thể kết thúc và sẽ tiếp tục là tâm điểm trên bàn nghị sự của trong nhiều năm tới của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Bên cạnh những cuộc chiến kéo dài nhiều năm chưa có hồi kết, đặc biệt ở khu vực Trung Đông, năm 2021 lại chứng kiến thêm nhiều cuộc khủng hoảng an ninh mới bùng nổ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc vẫn đang khẳng định vai trò quan trọng trong một thế giới đầy biến động.

Những điểm nhấn

Sẽ là không tưởng nếu ai đó kỳ vọng rằng Liên hợp quốc có thể đưa ra giải pháp rốt ráo cho những cuộc khủng hoảng chính trị của thế giới trong ngày một ngày hai.

Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận được Liên hợp quốc là tổ chức duy nhất trên thế giới có đủ cơ chế cần thiết để đương đầu với những vấn đề mang tính toàn cầu và ở vị thế có đủ tư cách làm trung gian hòa giải, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột.

Dù đôi khi vẫn bị chỉ trích thiếu tiếng nói quyết đoán khi phải ứng phó với những cuộc khủng hoảng, xung đột mới, trên thực tế, Liên hợp quốc luôn có mặt ở những nơi chiến sự ác liệt nhất, ngày đêm vận chuyển hàng cứu trợ tới những người dân đang lay lắt bên bờ vực nạn đói.

Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy trong năm 2021, Liên hợp quốc đã cung cấp khoảng 24 tỷ suất ăn cho 134 triệu người ở hơn 80 quốc gia; hỗ trợ 82,5 triệu người mất chỗ ở, chạy loạn do chiến tranh, nạn đói, thiên tai hoành hành; duy trì hơn 90.000 binh sỹ và chuyên viên làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở các điểm nóng xung đột.

Nhìn lại năm 2021 đầy biến động, càng không thể phủ nhận vai trò trụ cột của Liên hợp quốc trong nỗ lực đoàn kết các quốc gia cùng nhau ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu.

Hai cam kết mạnh mẽ nhất mà Tổng Thư ký Guterres đã công bố trong 10 ưu tiên đặt ra trong năm 2021, gồm đảm bảo cho người dân thế giới được tiếp cận vaccines phòng COVID-19 một cách công bằng và tìm giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, đều đạt được những thành quả nhất định, nhìn thấy được.

Tính đến cuối tháng 10/2021, chương trình cung cấp vaccine toàn cầu COVAX của Liên hợp quốc đã phân phối được 425 triệu liều vaccine COVID-19 tới 144 quốc gia, chưa kể hơn 130 triệu bộ xét nghiệm và các thiết bị y tế khác.

Tại hội nghị các nước G77 cuối tháng 11 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh rằng cách duy nhất để thế giới vượt qua đại dịch là phải đạt được mức độ tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu và đó chính là lý do Liên hợp quốc đã và đang chạy đua với thời gian, vận dụng tất cả những cơ chế hợp tác linh hoạt nhất có thể để tiến gần tới mục tiêu đã đề ra là sẽ tiêm vaccine cho khoảng 40% người dân trên toàn thế giới vào cuối năm nay và khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Liên hợp quốc hiện cũng đang tiếp tục kêu gọi thế giới chung tay đóng góp thêm khoảng 23,4 tỷ USD thông qua chương trình ACT (Access to Covid Tools) Accelerator nhằm giúp người dân trên thế giới được tiếp cận vaccines một cách bình đẳng.

Thế nhưng, dù khoảng 50% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, tỷ lệ tiêm ở những nước nghèo, nhất là những nước đang chìm trong chiến tranh, xung đột, hiện chỉ mới đạt khoảng 3%.

Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine cũng chính là một phần nguyên nhân khiến đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt.

Trong suốt năm 2021, người đứng đầu Liên hợp quốc đã không ít lần kêu gọi các nước có khả năng tăng cường sản xuất và chia sẻ vaccine với các nước nghèo hơn; đẩy nhanh tiến trình chuyển giao công nghệ và dỡ bỏ các rào cản hiện có để vaccine có thể được phân phối nhân đạo tới người dân trên khắp thế giới.

Với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ bởi các nước đã đạt được một thỏa thuận khí hậu mới mang tên "Hiệp ước khí hậu Glasgow," hứa hẹn nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian tới.

Đây cũng là lần đầu tiên thế giới đạt được một thỏa thuận quốc tế về việc giảm sử dụng than đá và lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Bất đồng của các nước vẫn còn, nhưng COP26 đã đạt được bốn thành quả quan trọng.

Đầu tiên, đó là sự thừa nhận của các nước rằng việc thích ứng với những tác động của tiến trình biến đổi khí hậu cũng quan trọng không kém so với nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính, nhờ vậy mà thế giới xác định được những mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu cụ thể và từ đó, củng cố năng lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả và đồng đều hơn.

Thứ hai, các nước đã nhất trí sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đây là một thành công đáng kể nếu nhìn vào thực tế vấn đề này gây tranh cãi từ lâu và chính các nước phát triển đã không thực hiện cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là hỗ trợ các nước đang phát triển khoảng 100 tỷ USD mỗi năm cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, các nước nhất trí thúc đẩy cắt giảm khí thải nhà kính mạnh mẽ hơn. Những công nghệ giúp sản xuất năng lượng mà hoàn toàn không phát thải nhà kính hiện đã có mặt ở nhiều nơi.

Nhiều nước đã làm chủ công nghệ sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo với mức giá khá rẻ, nhưng chỉ khi những công nghệ này được ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng trên toàn thế giới thì nỗ lực kiểm soát khí thải toàn cầu mới có thể đạt được kết quả như mong đợi.

Thành quả thứ tư là các nước đã thống nhất và hoàn thiện xong bộ quy định hướng dẫn thực thi đầy đủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thỏa hiệp về thị trường carbon, cho phép các nước mua tín chỉ carbon từ các nước khác, mở ra tiềm năng thiết lập nguồn quỹ hàng nghìn tỷ USD dành cho bảo vệ rừng, phát triển năng lượng sạch và các dự án chống biến đổi khí hậu.

Ngổn ngang thách thức

Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đó, những thách thức mà Liên hợp quốc đang phải đối mặt còn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng an ninh diễn ra ở khắp nơi khiến thảm họa nhân đạo ngày càng nhiều thêm, trong khi cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc - Hội đồng Bảo an (Hội đồng Bảo an) - vẫn chưa có nhiều thay đổi trong một năm qua, vẫn chia rẽ và né tránh rủi ro, đặc biệt trong nhóm 5 nước ủy viên thường trực (nhóm P5).

Nhin lai the gioi nam 2021: Lien hop quoc no luc thuc day doan ket hinh anh 2Binh sỹ Senegal thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính vì sự chia rẽ này mà Hội đồng Bảo an đã không ra được quyết sách kịp thời khi Israel và Palestine leo thang căng thẳng hồi tháng 5 và cũng không có được hành động thống nhất, hiệu quả khi xung đột bùng phát ở Tigray, Ethiopia.

Dù đã hợp tác nhiều hơn trong một số trường hợp cụ thể, Hội đồng Bảo an vẫn chưa thể có những bước đi quả quyết, chắc chắn khi đối mặt với các vấn đề khủng hoảng mới.

Những cuộc họp kín khẩn cấp vẫn được Hội đồng Bảo an triệu tập thường xuyên mỗi khi căng thẳng hay khủng hoảng xảy ra, nhưng đáng tiếc phần lớn các cuộc hội ý đó không đi tới được giải pháp thỏa đáng và ngay lập tức.

Mặc dù 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó có Việt Nam, đã nỗ lực đóng vai trò điều hòa các nước P5 để cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc có thể vận hành hiệu quả nhất chức năng chính là bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa những gì được kỳ vọng.

Liệu những bất đồng đang tồn tại có thể được hóa giải trong năm 2022 hay không? Đây là điều rất khó đoán định. Nhóm P5 của Hội đồng Bảo an chắc chắn sẽ vẫn chia rẽ trong vấn đề Liên hợp quốc có nên thừa nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan và chính quyền quân sự ở Myanmar hay không.

Bằng chứng mới nhất là Đại Hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 nước thành viên phải thông qua nghị quyết hoãn công nhận đại sứ của cả hai chính quyền hiện tại ở Afghanistan và Myanmar vô thời hạn.

Với vấn đề nội chiến ở Ethiopia, Liên hợp quốc sẽ cần có hành động như thế nào để các bên liên quan phải nhất trí ngừng bắn, tránh đẩy người dân vào thảm họa nhân đạo thêm tồi tệ? Với những cuộc chiến dai dẳng nhiều năm như Yemen hay Syria, Liên hợp quốc liệu có cân nhắc một giải pháp mới?

Năm 2021 sắp khép lại nhưng đồng thời cũng là dấu mốc khởi đầu mới cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nhằm mang lại nhiều đổi thay hơn nữa cho một thế giới hòa bình, một hành tinh xanh, bảo vệ quyền cơ bản và công bằng cho những người dân.

Thách thức vẫn còn trước mắt, nhưng 2022 sẽ là năm Liên hợp quốc đương đầu với những thách thức đó với một tinh thần đa phương mạnh mẽ và quyết đoán hơn bao giờ hết.

Đại dịch có thể vẫn còn, đói nghèo, bất bình đẳng chưa thể chấm dứt và thậm chí những khác biệt trong quan hệ địa chính trị của các nước sẽ vẫn căng thẳng, nhưng đó cũng chính là lý do căn bản nhất cho thấy vai trò không thể thiếu được của Liên hợp quốc phụng sự hòa bình bền vững cho toàn nhân loại./.

Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)
419 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 649
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 649
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84627602