Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới 

(QT) - Tuyên truyền miệng luôn là một trong những biện pháp quan trọng của công tác vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của tuyên truyền miệng, là mặt công tác quan trọng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân viên Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị thuyết minh về những chiến công của quân và dân ta trong sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Ảnh: PV

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi mà các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống Việt Nam, triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị của đất nước, các vấn để “nóng”, bức xúc trong xã hội liên quan đến chủ quyền biển, đảo, ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động, chống phá. Trong đó tập trung xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp; phê phán chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử... với sự hà hơi, tiếp sức của một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài có sự móc nối với các tổ chức tự xưng, đối tượng phản động, bất mãn ở trong nước.

Chúng lợi dụng mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, kích động để gây hoài nghi trong nhân dân với kỳ vọng tạo nên các yếu tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa, tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng đã được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện bằng các hình thức hội thi, hội diễn, tọa đàm, tập huấn, sinh hoạt, họp dân của các đoàn thể quần chúng trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, thôn, xóm, khu dân cư. Qua đó đã lồng ghép việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận và phân tích, vạch trần các quan điểm sai trái, thù địch để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, ở một số địa phương, cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, công tác tuyên truyền miệng vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu sự quan tâm hoặc còn xem nhẹ, nội dung sơ sài, hình thức rập khuôn nên chưa thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực và đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; chưa có sự phân nhóm đối tượng để có hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và một điều quan trọng là có không ít cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết trên lĩnh vực chuyên môn. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cần phải xác định rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, xem đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, trực tiếp, định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền miệng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch trọng tâm trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hình thức tuyên truyên miệng phải có sự đổi mới, sáng tạo, nội dung phong phú, đảm bảo tính chính xác và tính thời sự, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trình độ dân trí, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phải được kiện toàn, củng cố, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, đảm bảo có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển tải chính xác, đầy đủ, giải đáp những thắc mắc của nhân dân trong quá trình tuyên truyền miệng. Đồng thời phải xây dựng được phong cách gần dân, hiểu dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, qua đó tạo được thiện cảm, sự tin tưởng của người nghe đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, lồng ghép tuyên truyền miệng trong các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, hội viên, đoàn viên và nhân dân ở các khu dân cư.

Tăng cường công tác trao đổi thông tin, tình hình giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để công tác tuyên truyền miệng đảm bảo chính xác, kịp thời, chất lượng và hiệu quả. Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ cốt cán, người uy tín ở thôn, bản, khối phố, cụm dân cư, kịp thời thông tin, phổ biến tình hình và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các phương thức, thủ đoạn, quan điểm sai trái, thù địch, để đội ngũ này thực hiện tốt công tác tuyên truyền ở cơ sở.

 

Hồng Quân

 

 
 
3128 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 669
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 669
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78068560