Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo thêm rằng, nếu như Mỹ và Trung Quốc không thể tiến tới một thỏa thuận thì Washington vẫn sẽ duy trì các biện pháp gây sức ép về thuế nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại.
Theo lý giải của ông Mnuchin thì Tổng thống Mỹ D.Trump đang muốn phát đi thông điệp rằng, nếu như Mỹ và Trung Quốc đạt được tiến triển trong đàm phán thương mại và nếu như người đứng đầu Nhà Trắng cảm thấy hài lòng cũng như nhận được một số bảo đảm nhất định từ Trung Quốc, thì có lẽ Tổng thống sẽ sẵn lòng thực hiện một số bước đi cụ thể liên quan tới Huawei. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng lưu ý thêm rằng các biện pháp trừng phạt mà nước này đang nhằm vào Huawei là liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia, chứ không phải thương mại.
Ông Mnuchin cho biết, Mỹ sẵn sàng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song cũng sẽ duy trì các biện pháp áp thuế nếu cần thiết. "Nếu Trung Quốc muốn ký thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận theo những điều khoản mà chúng tôi đã nói tới. Còn nếu Trung Quốc không muốn, Tổng thống D.Trump vẫn hoàn toàn vui vẻ với việc thúc đẩy các đòn thuế để tái cân bằng mối quan hệ" – Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ.
Thông điệp trên được ông Mnuchin đưa ra chỉ ít lâu sau khi khi quyền Giám đốc Văn phòng Ngân sách và Quản lý Nhà Trắng Russel Vought, ngày 4/6, đã gửi thư lên Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và 9 thành viên khác của Quốc hội Mỹ nhằm yêu cầu hoãn áp dụng các biện pháp cấm vận đối với các sản phẩm của Huawei trong vòng 2 năm nhằm “bảo đảm việc thực thi hiệu quả các biện pháp cấm vận mà không ảnh hưởng tới các mục tiêu về an ninh”.
Trong bức thư trên, ông Vought đã bày tỏ quan ngại rằng, lịch trình thực thi các biện pháp cấm vận đối với Huawei sẽ có nguy cơ “làm sụt giảm đáng kể” số lượng nhà thầu có khả năng bán sản phẩm cho chính phủ Mỹ. Qua đó, ông Vought đề xuất nới rộng thời gian bắt đầu hạn chế nhà thầu của chính phủ Mỹ mua các thiết bị của Huawei trong vòng 4 năm thay vì cột mốc 2 năm như hiện nay. Theo lập luận của ông Vougth thì việc trì hoãn này sẽ khiến chính phủ Mỹ có thêm thời gian để suy nghĩ thấu đáo về các tác động tiềm năng và đề ra phương hướng tháo gỡ.
Tuy nhiên, Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ chưa đưa ra bình luận tức thời nào liên quan tới bức thư của ông Vought.
Sau hơn 1 năm tiếp diễn dai dẳng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh Mỹ đã áp đặt và nhiều lần siết chặt các biện pháp trừng phạt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây được xem là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại và đối phó với những hành vi được Mỹ xem là “lối hành xử bất công về thương mại” từ Trung Quốc.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang lĩnh vực công nghệ sau khi Mỹ cáo buộc tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã có hành vi gián điệp và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ – điều mà Huawei luôn bác bỏ. Cách đây ít lâu, Mỹ đã đưa Huawei vào bản danh sách đen nhằm cấm các công ty Mỹ hợp tác với tập đoàn công nghệ này với lý do rằng, Huawei có thể lợi dụng công nghệ để thực hiện các hành vi gián điệp cho chính phủ Trung Quốc./.
Thu Lan (Theo Reuters, theguardian.com)