Phát biểu tại một sự kiện diễn ra ở Italy, ngày 9/6, phát ngôn viên UNHCR – bà Carlotta Sami cảnh báo: “Nếu chúng ta không sớm can thiệp thì Địa Trung Hải sẽ sớm biến thành một biển máu”. Phát ngôn viên này cũng chỉ ra một thực trạng đáng quan ngại rằng, “đang có một sự gia tăng mạnh mẽ” về số lượng người chạy tị nạn khỏi các nước Bắc Phi, đặc biệt là từ nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột như Libya.
“Rõ ràng rằng, người di cư không có tiếng nói về cách thức, cũng như thời điểm mà họ sẽ bắt đầu hành trình mà quyết định này sẽ được đưa ra bởi những kẻ buôn người bất hợp pháp…Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều con tàu chất đầy người. Ai sẽ cứu họ nếu như những con tàu này bị chìm?” – bà Sami trăn trở.
Bên cạnh đó, bà Sami cũng cho biết thêm, nguy cơ người di cư và người tị nạn trở thành nạn nhân trong các vụ đắm tàu trên Địa Trung Hải và bị chết ngoài biển đang “ở mức cao nhất từ trước tới nay” do không đủ các số lượng tàu cứu hộ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Phát ngôn viên này cảnh báo rằng, cuộc xung đột và bất ổn dai dẳng tại Libya đã khiến số người chạy tị nạn khỏi quốc gia Bắc Phi này gia tăng ở mức “đáng báo động”.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hiện đang có hàng nghìn người dân Libya lên kế hoạch chạy tị nạn khỏi quốc gia này trên những phương tiện hoàn toàn không phù hợp để băng qua vùng biển khắc nghiệt Địa Trung Hải. Chính vì thế, việc thiếu vắng những con tàu cứu hộ sẽ khiến số các vụ đắm tàu trên vùng biển này gia tăng mạnh mẽ.
Báo chí nước ngoài dẫn số liệu từ các tổ chức cứu trợ cho biết, trong những ngày gần đây, đã có khoảng gần 700 người chấp nhận cuộc phiêu lưu mạo hiểm trên biển để đến với những vùng đất mới, và chỉ có 5% trong số này bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn lại để đưa về các trung tâm giam giữ; 40% người tị nạn trong số này đã cập cảng Malta – một quốc đảo nằm ở vị trí trung tâm Địa Trung Hải, chia cắt giữa Sicily và bờ biển Bắc Phi; 11% người cập cảng Italy. Trong khi số phận của những người còn lại vẫn là một ẩn số.
Kết quả một công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) có trụ sở tại Italy, dựa trên số liệu do Bộ Nội vụ Italy cung cấp cho thấy, tính trong giai đoạn từ tháng 1-4/2019, cứ 8 người chạy tị nạn khỏi Libya để tới những khu vực ven biển châu Âu thì lại có 1 người phải bỏ mạng khi hành trình còn đang dang dở.
Cơ quan phụ trách người tị nạn của Liên hợp quốc cũng vừa cho biết, hiện đang có khoảng 60.000 người dân Libya đang tìm kiếm cơ hội tị nạn sang các nước khác. Trong vòng 2 tháng qua, tình hình bất ổn và bạo lực kéo dài tại thủ đô Tripoli và các khu vực lân cận đã khiến 90.500 người dân Libya phải rời bỏ nhà cửa. Các nhóm viện trợ cho biết, hàng nghìn người xin tị nạn đang bị giam giữ tại các trung tâm phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng và tra tấn.
Ngày 7/6, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCHR) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về điều kiện tồi tệ tại các trung tâm giam giữ người tị nạn và người di cư tại Libya.
Tại một phiên họp cùng ngày của Liên hợp quốc, phát ngôn viên UNHCHR - ông Rupert Colville cho biết, kể từ tháng 9 năm ngoái, đã có 22 người tị nạn và di cư bị tử vong bởi các căn bệnh nhiễm khuẩn hay các dịch bệnh khác tại trung tâm giam giữ Zintan thuộc miền Tây Bắc Libya. Ông Colville tiết lộ thêm rằng, trong một chuyến thị sát gần đây ở trung tâm giam giữ Zintan, nơi đang giam giữ khoảng 654 người tị nạn và người di cư, các nhân viên của Liên hợp quốc đã được chứng kiến thực tế rằng những người này phải sinh sống trong điều kiện thiếu lương thực, nước uống nghiêm trọng. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh cũng rất tồi tệ khi nhiều người bị giam giữ trong những căn nhà kho ngập rác và chất thải./.
Thu Lan (Theo PressTV, Xinhua)