Lạm phát của Đức đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm tốc 

Lạm phát của Đức tăng do tác động bất lợi so với tháng 6/2022, thời điểm lạm phát giảm do chính phủ giảm thuế nhiên liệu để bù đắp chi phí năng lượng tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Lạm phát của Đức đã tăng trở lại sau nhiều tháng giảm tốc

Lạm phát của Đức đã tăng trở lại trong tháng 6/2023 sau nhiều tháng giảm tốc, đặc biệt tại 5 bang kinh tế quan trọng của Đức gồm Nordrhein Westfalen, Bayern, Brandenburg, Hessen và Baden-Wuerttemberg.

Số liệu sơ bộ của Cơ quan thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 29/6 cho biết tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức đã tăng từ mức 6,1% trong tháng 5 lên 6,4% trong tháng 6/2023, cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra là 6,3%.

Tại 5 bang trọng điểm, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên 6,2% ở bang Nordrhein Westfalen và Bayern, 6,7% ở bang Brandenburg, 6,1% ở bang Hessen và 6,9% ở Baden-Wuerttemberg. Với số liệu trên, tình trạng lạm phát của Đức sẽ còn gập ghềnh phía trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trên là do tác động bất lợi so với tháng 6/2022, thời điểm lạm phát giảm do Chính phủ Đức tung ra vé đi lại các phương tiện công cộng trong cả nước vào mùa Hè là 9 euro/tháng và giảm thuế nhiên liệu để bù đắp chi phí năng lượng tăng cao sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Đến tháng 6/2023, lạm phát dự báo tăng so với cùng kỳ năm trước do các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ giá năng lượng của chính phủ chấm dứt.

Mặc dù hiện giá vé phương tiện công cộng vẫn áp dụng đồng giá, nhưng với mức 49 euro/tháng, cao hơn đáng kể so với mức 9 euro áp dụng trong những tháng Hè năm ngoái.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt tổng cộng 400 điểm cơ bản trong một năm qua, lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001, trong nỗ lực nhằm kiềm chế giá cả. Chủ tịch ECB Christine Lagarde tiết lộ rằng lộ trình tăng lãi suất chưa dừng lại và có thể một đợt tăng khác vào tháng 7.

[Kinh tế Đức chia tay thời hoàng kim, đối mặt với giai đoạn khó khăn]

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KfW), Fritzi Koehler-Geib, cho biết: “Các hiệu ứng cơ bản đã tạm thời ngăn chặn đà giảm của lạm phát."

Nhưng nhà kinh tế Carsten Brzeski thuộc ngân hàng ING nhất trí rằng: “Giảm lạm phát sẽ có thêm động lực sau mùa Hè."

Giá năng lượng giảm nhanh đã giúp làm chậm lạm phát tại cả 20 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong những tháng gần đây sau khi ghi nhận mức cao nhất là 10,6% vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, dù lạm phát giảm xuống mức 6,1% trong tháng 5/2023, con số này vẫn cao hơn mục tiêu của ECB hơn 3 lần.

Mặc dù lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trở lại, nhưng các số liệu mới nhất cho thấy Đức sẽ giúp giảm bớt những lo lắng của ECB về lạm phát dai dẳng. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ một số nền kinh tế lớn khác của khu vực đồng euro đã xuất hiện.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy, lạm phát của Tây Ban Nha đã giảm mạnh xuống 1,9% trong tháng 6 nhờ giá nhiên liệu, điện và giá lương thực thấp hơn.

Tại Italy, lạm phát đã giảm xuống 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái so với mức 7,6% trong tháng 5./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

 

474 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1589
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1589
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88996256