Ở thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên quy mô toàn cầu, đa số các nhà phân tích dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kiểu hình chữ V. Đây là kịch bản phục hồi lạc quan nhất. Kinh tế suy giảm nhanh rồi phục hồi cũng nhanh khi phong tỏa kết thúc. Chính phủ ban hành các biện pháp đủ để bù đắp cho khủng hoảng và đại dịch không bùng phát trở lại.
Chữ U là kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan. Kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm. Tình hình trở lại như trước đại dịch sẽ không xảy ra trước cuối năm 2020.
Chữ W là kịch bản phục hồi 2 lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai.
Chữ L là kịch bản u ám nhất. Các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh. Các công ty phá sản hàng loạt khiến kinh tế trì trệ.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, xuất hiện một mô hình phục hồi mới của kinh tế thế giới, đó là “kịch bản hình chữ K”.
Mạng tin Arab News mới đây đưa ra mô hình này và nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều chuyên gia phân tích. Theo kịch bản mới này, sự giảm tốc của các nền kinh tế diễn ra theo chiều thẳng đứng, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4 năm nay và nối tiếp sau đó là 2 mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh.
Thực tế diễn biến kinh tế thế giới những tháng vừa qua cho thấy “kịch bản hình chữ K” đang diễn ra với kinh tế thế giới. Theo đó, đa số các nền kinh tế lớn đã sụt giảm tăng trưởng mạnh theo chiều thẳng đứng ở mức khoảng 10%, vượt mọi dự đoán trước đó. Số nền kinh tế được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, như Trung Quốc, Việt Nam... Mô hình phục hồi hình chữ K cũng có thể được nhìn thấy ngay trong từng nền kinh tế với những diễn biến trái chiều. Chẳng hạn, ở nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, thị trường chứng khoán đã phục hồi nhanh chóng, thậm chí vươn tới mức cao nhất mọi thời đại, với chỉ số S&P 500 lấy lại tất cả những gì đã đánh mất hồi tháng 3 năm nay và được dự báo “còn bùng nổ hơn nữa”. Đây là nét vẽ đi lên của chữ K. Trong khi đó, nhiều chỉ số khác lại đang vận động theo chiều hướng ngược lại. Sản lượng kinh tế có xu hướng giảm, thất nghiệp tăng lên và các số liệu thống kê về phá sản và nợ nần đều rất tiêu cực. Đó chính là biểu hiện suy thoái kinh tế tượng trưng cho nét đi xuống của chữ K.
Một số công ty thuộc nét xiên phía trên chữ K như nhóm Big Tech (5 công ty công nghệ lớn gồm Google, Amazon, Apple, Microsoft, Facebook) ung dung thoát khỏi khủng hoảng để lướt tới đỉnh cao phát triển lịch sử. Theo trang Slate, trong quý 2/2020, doanh thu của Amazon đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 88,9 tỉ USD. Doanh thu nhánh tạp hóa của Amazon tăng gấp 3 lần trong giai đoạn này do lệnh phong tỏa tác động đến phần lớn dân số thế giới, khiến mọi người phải mua sắm qua giao hàng. Tương tự, giá cổ phiếu của Netflix (dịch vụ video trực tuyến) tăng 200%, trong khi giá cổ phiếu của Tesla (công ty xe điện) tăng gấp 10 lần.
Ngược lại, nét xiên phía dưới chữ K bao gồm các công ty thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề như vận tải hàng không, dệt may, tổ chức sự kiện và dịch vụ ăn uống.
Đối với các thị trường Arab vùng Vịnh, tình hình có phần phức tạp hơn do bao hàm yếu tố dầu mỏ. Ngay cả với những thị trường không phụ thuộc quá nhiều vào các công ty năng lượng, nguồn lợi từ giá dầu cũng là thứ không thể bỏ qua khi nó cho phép thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo đà chi tiêu của chính phủ.
Do đó, hình dạng phục hồi của thị trường trong khu vực không phù hợp với bất kỳ mô hình chữ cái nào, V, K hoặc W.
Các thị trường đã chịu tác động mạnh mẽ trong tháng 3, tháng 4/2020 và không giống như các chỉ số của Mỹ, chứng khoán vùng Vịnh không lấy lại được mức cao của những ngày trước đại dịch. Có lẽ chỉ có sự phục hồi bền vững của giá dầu mới đưa họ trở lại thời kỳ “hoàng kim” đó.
Chỉ có duy nhất một ngoại lệ cần lưu ý. Bất chấp những đổ vỡ trên thị trường dầu mỏ, cổ phiếu của Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia gần như đã trở lại mức cao của những ngày sau IPO (việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng). So sánh với các công ty dầu mỏ khác trong ngành, Aramco đã vượt qua cuộc khủng hoảng này tốt hơn nhiều so với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác.
Theo ước tính của IMF, các nước phát triển cần phân bổ tới 20% GDP cho các biện pháp duy trì hoạt động kinh tế để vượt qua khủng hoảng. Trong khi đó, các nước đang phát triển chỉ có thể chi không quá 5% GDP cho những biện pháp này. Do vậy, sự phối hợp toàn cầu để chống đại dịch, chống suy thoái kinh tế là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh nêu trên, để kéo dài “nét vẽ đi lên” của chữ K trong mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu, các chính phủ phải nhìn rõ hơn các thách thức, có giải pháp chống dịch và phục hồi kinh tế quyết liệt hơn.
An Bình