Khai mạc kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII 

Ngày 22/5/2017, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII khai mạc kỳ họp thứ 4 (bất thường). Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh khóa VII…

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ xem xét 9 tờ trình của UBND tỉnh, trong đó có 7 tờ trình về quy hoạch phát triển ngành và thực hiện chính sách địa phương trên các lĩnh vực, cùng với việc xem xét 2 tờ trình liên quan đến công tác tổ chức xây dựng chính quyền và tiến hành bầu bổ sung một số Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 theo thẩm quyền...Quyết định quy hoạch phát triển các ngành và ban hành các chính sách địa phương là một nhiệm vụ hết sức quan trọng được phân định cho chính quyền địa phương để đảm bảo sự thống nhất về chiến lược, quy hoạch tổng thể của quốc gia nhưng đồng thời cũng phù hợp với điều kiện, đặc điểm và nguồn lực thực hiện của từng địa phương.

 

Các nội dung trình kỳ họp lần này chủ yếu là đề án chuyên sâu trên các lĩnhvực nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh, xác định các giải pháp cụ thể để phát triển ngành. Vì thế việc tổ chức kỳ họp bất thường thứ 4 là hết sức cần thiết để HĐND tỉnh có điều kiện thảo luận một cách kỹ lưỡng đối với từng nội dung nhằm nâng cao chất lượng ra quyết định của HĐND tỉnh…
 

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Tờ trình chung về các  tờ trình, đề án trình kỳ họp lần này.

 

Đồng chí Phan Văn Phụng, UVTVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra của Ban về “Đề án phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”.

 

Về Đề án này, Ban Kinh tế Ngân sách cho rằng để phù hợp với phạm vi và mục tiêu của đề án là hỗ trợ, phát triển một số cây trồng, con nuôi nhằm nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp, tạo sự đột phá chất lượng sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với chính sách hiện hành của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Do vậy Ban Kinh tế Ngân sách đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Về chính sách hỗ trợ, nguyên tắc là: Chỉ hỗ trợ những phần việc mà người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh khó có thể làm được và hỗ trợ theo từng công đoạn của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

 

 Về “Đề án kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên và thú y viên cơ sở tỉnh Quảng Trị đến năm 2020”. Đề án này phù hợp với Nghị định số 2/2010 của Chính phủ về khuyến nông và Thông tư số 29/2016 của Bộ Nông nghiệp-PTNT quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Kinh tế Ngân sách thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, bố trí mạng lưới, số lượng, tiêu chuẩn như đề án trình.

 

Đối với “Đề án về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2021”, Đề án xây dựng phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Quyết định 2261/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Về giai đoạn thực hiện và mục tiêu cụ thể đề nghị điều chỉnh giai đoạn thực hiện 2017-2021 thành giai đoạn 2017-2020 để phù hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển HTX do Trung ương quy định giai đoạn 2015-2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% hoặc Trung ương quy định nội dung hỗ trợ nhưng phân cấp ngân sách địa phương cân đối.

 

Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII. Ảnh: Thành Dũng

Về dự thảo Nghị quyết “Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, Ban Kinh tế Ngân sách cho rằng dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và tổ chức lấy ý kiến của UBND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra Tờ trình số 1336/2017 của UBND tỉnh “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 12/2013 của HĐND tỉnh”. Ban Pháp chế cơ bản nhất trí với các nội dung trong đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đồng thời đóng góp ý kiến về tên gọi, về chính sách đào tạo sau đại học, về thẩm quyền quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo; về chính sách đãi ngộ cán bộ y tế cơ sở đang công tác tại tỉnh; chính sách thu hút; trách nhiệm, nghĩa vụ người được thu hút; đối với giáo viên được cử sang giảng dạy tiếng Việt cho đồng bào Việt kiều ở một số tỉnh của Lào…

 

Ban Pháp chế cũng thẩm tra Tờ trình số 1178/2017 của UBND tỉnh về việc thành lập thôn Tân Sơn thuộc xã Trung Sơn, huyện Gio Linh. Sau khi xem xét tờ trình, dự thảo nghị quyết, quá trình làm việc với địa phương và một số ngành liên quan, Ban Pháp chế nhất trí đề nghị HĐND tỉnh xem xét cho thành lập thôn Tân Sơn vì cơ bản đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với yếu tố lịch sử và nguyện vọng của nhân dân.

 

Đồng chí Trần Thị Thảo, Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội báo cáo thẩm tra  về “Đề án Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, nội dung đề án cơ bản tuân thủ các quy định của Chính phủ về quy trình lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; đánh giá được hiện trạng phát triển ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin của tỉnh trong thời gian qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời đề nghị kiểm tra, rà soát hoạt động của các điểm Bưu điện- Văn hóa xã và có phương án sắp xếp lại đối với các điểm hoạt động kém hiệu quả. Rà soát, sắp xếp lại các trung tâm công nghệ thông tin để thành lập một trung tâm công nghệ thông tin đủ mạnh góp phần nâng cao chất lượng quản lý, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Lê Thị Lan Hương, UVTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra về việc ban hành “Nghị quyết quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỉ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

 

Với quy định “Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 150% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh”, Ban Văn hóa Xã hội đề nghị nâng định mức 150% lên 200% mức lương cơ sở/tháng/30 học sinh để phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, vì đa số các trường học được hưởng chính sách của Nghị định này đều thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn.

 

 Với quy định “Trường hợp trường phổ thông có tổ chức nấu ăn cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116/2016 của Chính phủ có số lượng học sinh nấu ăn tập trung từ 20 đến dưới 30 học sinh thì được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 150% mức lương cơ sở/tháng và không quá 9 tháng/năm”, Ban đề nghị nâng định mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn lên 200% mức lương cơ sở/tháng và không quá 9 tháng/ năm…

 

Tiếp đó, HĐND tỉnh tiến hành phiên họp nội bộ để bầu thành viên UBND tỉnh; thông qua Nghị quyết Quy định một số chế độ, định mức chi tiêu đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Buổi chiều cùng ngày tiến hành thảo luận ở tổ về báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh.

 

 

2544 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78035963