Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa 

Ngày 24/10/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có phiên làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong 9 tháng đầu năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo kết luận phiên làm việc với nội dung như sau:

Về đánh giá tình hình hoạt động

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Hướng Hóa đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI; Kết luận số 137-KL/TU, ngày 30/11/2018 của Tỉnh ủy, Kết luận số 07-KL/HU, ngày 19/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018 và nhiệm vụ năm 2019 để tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, tranh thủ được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2019, các chỉ tiêu kế hoạch năm về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng cơ bản đến nay đạt tiến độ, dự báo đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó có nhóm chỉ tiêu quan trọng của kinh tế là vốn đầu tư toàn xã hội, tổng giá trị sản xuất...) Văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố và tăng cường. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong huyện. Huyện ủy cũng đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, triển khai thực hiện khá tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, đó là: chưa chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện đến thôn, bản; chưa bám sát chủ đề năm 2019 của tỉnh “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng tốc phát triển” để tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, do đó kinh tế - xã hội của huyện chưa có nét đột phá; việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn; thu cân đối ngân sách trên địa bàn, nhất là thu từ đấu giá quyền sử dụng đất còn quá thấp; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2019; cơ cấu lao động chuyển dịch chưa rõ nét, trong đó, xuất khẩu lao động chưa được chú trọng; tỷ lệ giảm hộ nghèo còn thấp; nông thôn mới chưa có bước tiến vững chắc; tình hình vi phạm pháp luật về ma túy diễn biến phức tạp, người nghiện ma túy gia tăng. Công tác xây dựng Đảng còn khó khăn, đội ngũ cán bộ chậm được kiện toàn, còn lúng túng, nguồn đầu vào ít; sắp xếp bộ máy thiếu kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn buông lỏng; một số vấn đề dư luận quan tâm giải quyết còn chậm, chưa quyết liệt.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa đã xác định. Đồng thời, đề nghị huyện chọn việc, chọn điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó, chú trọng các nội dung sau:

- Nghiêm túc đánh giá sâu những hạn chế, khuyết điểm của huyện để quyết tâm khắc phục, sửa chữa. Chủ động tập trung rà soát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019, các đầu việc trọng tâm, chỉ tiêu chưa hoàn thành, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục. Thành lập tổ chỉ đạo đối với từng chỉ tiêu chưa đạt, do đồng chí lãnh đạo huyện đứng đầu; với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.

- Tiếp tục nghiêm túc rà soát, tiếp thu, rút kinh nghiệm điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc lãnh đạo, chỉ đạo theo Thông báo kết luận số 497-TB/UBKTTW, ngày 14/9/2018 và Công văn số 3399-CV/UBKTTW, ngày 23/10/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Tăng cường tái cơ cấu nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNN, các tổ chức, đơn vị có liên quan sớm tổng kết các mô hình, xác định rõ thế mạnh cây, con để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; tạo sản phẩm gắn thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; chú trọng liên kết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; có hình thức quảng bá mạnh mẽ nông sản địa phương như tổ chức Ngày hội sản phẩm nông nghiệp sạch...

- Tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là tập trung nguồn lực, giải ngân tốt các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình dự án, phát huy vai trò chủ thể tham gia của người dân; phấn đấu có thêm 03 xã về đích nông thôn mới trong năm 2019, chậm nhất là Quý I/2020; phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNN, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh để lập Đề án tổng thể xây dựng thôn, bản đạt tiêu chí nông thôn mới.

- Rà soát các dự án lớn đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư hiện có vướng mắc, nhất là dự án cao su, mắc - ca, ba đậu nam để phối hợp với các sở, ngành liên quan, kiến nghị UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vướng mắc, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả xử lý trước ngày 31/12/2019.

- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó chú trọng lĩnh vực giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm hộ nghèo bền vững. Củng cố, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh; khẳng định mô hình kết nghĩa Bản - Bản, đảm bảo đường biên giới hữu nghị, hòa bình gắn với an ninh Tổ quốc; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có kế hoạch phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là quản lý có hiệu quả người nghiện ma túy trên địa bàn.

- Tăng cường công tác xây dựng Đảng. Tập trung đẩy mạnh công tác cán bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; khẩn trương kiện toàn các chức danh đang khuyết, nhất là đối với các vị trí chủ chốt và Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy đúng quy định. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, phát huy vai trò của nhân dân trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ động rà soát, kịp thời giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; thắt chặt kỷ cương, kỷ luật, không bao che đối với những hành vi vi phạm pháp luật và quy định của Đảng.

Về giải quyết kiến nghị

* Về kinh phí khắc phục hậu quả lũ lụt do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (từ ngày 03 - 05/9/2019):

Để kịp thời hỗ trợ khắc phục các thiệt hại mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra, do tỉnh còn khó khăn về nguồn lực, tỉnh đã có Tờ trình gửi Trung ương đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả; trong đó, có các thiệt hại theo báo cáo, yêu cầu hỗ trợ của huyện Hướng Hóa, nhất là ưu tiên sửa chữa, khắc phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, các khu vực nguy hiểm đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Nhà nước.

Đối với việc hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng kè xử lý sạt lở bờ sông Sê Păng Hiêng tại xã Hướng Lập: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, với các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sạt lở; đồng thời, đã có báo cáo và đề xuất xử lý sạt lở bờ sông Sê Păng Hiêng đoạn qua trạm Y tế xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Kế hoạch Đầu tư cân đối, tham mưu huy động, bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục khu vực sạt lở trong năm 2019; đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức khảo sát chi tiết, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện khi được bố trí vốn (Dự kiến kinh phí để khắc phục khẩn cấp khu vực đặc biệt nguy hiểm khoảng 2,5 tỷ đồng).

Đối với nội dung khắc phục các cơ sở hạ tầng khác bị hư hỏng (cầu cống, đường giao thông, công trình sinh hoạt, phúc lợi bị hư hỏng nặng với tổng kinh phí khắc phục theo đề xuất hơn 28,5 tỷ đồng): Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh cân đối từ nguồn Trung ương phân bổ để xử lý theo thứ tự ưu tiên; trong đó, các công trình hư hỏng nặng cần nguồn lực lớn sẽ được cân đối từ nguồn hỗ trợ của Trung ương; đối với các công trình hư hỏng khác trong điều kiện nguồn lực địa phương tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên kinh phí để khắc phục, sửa chữa (nguồn sự nghiệp kinh tế địa phương, lĩnh vực, nguồn dự phòng...).

* Về quan tâm đầu tư phòng học thiếu, phòng bộ môn để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục - đào tạo:

Đề nghị huyện rà soát kỹ, tổng hợp nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện và chủ động bố trí kinh phí do huyện quản lý để thực hiện (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện có 16 xã thuộc đối tượng và bình quân mỗi xã được bố trí 1 tỷ đồng/năm, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...); đồng thời, làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để được đề xuất bố trí vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

* Về việc lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành quan tâm hỗ trợ huyện trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đối với 15 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là đối với xã điểm của tỉnh (xã Thuận):

- Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

Ngoài 05 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thì 15 xã còn lại thuộc xã đặc biệt khó khăn nên được phân bổ vốn hàng năm với hệ số 4 -  hệ số cao nhất của Chương trình Nông thôn mới. Từ năm 2019, huyện Hướng Hóa có 05 xã (Hướng Lập, Hướng Phùng, Thanh, A Dơi, Ba Tầng) còn được hỗ trợ thêm 11.270 triệu đồng (trung bình 2.254 triệu đồng/xã) để thực hiện Đề án hỗ trợ thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg, ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho huyện Hướng Hóa qua các năm giai đoạn 2016-2019 là: 106.182 triệu đồng (năm 2016: 24.257 triệu đồng, năm 2017: 19.740 triệu đồng, năm 2018: 25.872 triệu đồng, năm 2019: 36.295 triệu đồng), chiếm 26,3% tổng số vốn nông thôn mới của toàn tỉnh, đây là mức hỗ trợ cao nhất cho cấp huyện.

Bên cạnh đó, đã lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình dự án khác để xây dựng nông thôn mới như: Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị hỗ trợ trên địa bàn xã Thuận là 13.377 triệu đồng (trong đó: vốn nâng cao thu nhập là 6.404 triệu đồng, vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là 6.973 triệu đồng).

- Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:

Việc hỗ trợ được xác định theo tiêu chí: dân số, diện tích, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số với bình quân mỗi xã được bố trí 1 tỷ đồng/năm và mỗi thôn được bố trí 200 triệu đồng/năm nên không thể tăng mức hỗ trợ của Chương trình đối với huyện. Do đó, đề nghị huyện tích cực lồng ghép các nguồn vốn khác và huy động vốn xã hội hóa để đầu tư cho các xã sớm đạt được mục tiêu đề ra.

* Về chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT sớm xử lý bàn giao đất rừng chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng, hạn chế việc xâm lấn đất vào đất rừng được chuyển đổi:

Yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện lập Kế hoạch sử dụng đất rừng chuyển đổi mà tỉnh giao cho địa phương quản lý, trong đó ưu tiên vận động thành lập các hợp tác xã, hoặc tổ hợp tác trồng rừng để nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất trồng rừng sản xuất, sau khi chuyển đổi từ rừng phòng hộ ít xung yếu.

* Về chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh quan tâm giúp huyện trong liên kết, tìm đầu ra cho các nông sản trên địa bàn:

Trên cơ sở quy hoạch của ngành, giao Sở Nông nghiệp và PTNN, Sở Công Thương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp huyện trong việc tạo thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết, tìm đầu ra cho các nông sản của địa phương.

Huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNN tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục rà soát, lựa chọn một số đối tượng sản phẩm nông sản chủ lực của huyện gắn với chế biến và tiêu thụ như: cà phê hữu cơ sinh thái; chanh leo; cây dược liệu; chuối; rau, hoa công nghệ cao… để tiếp tục đẩy mạnh liên kết, mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ phát triển; trong đó, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Phối hợp với Sở Công Thương trong việc triển khai các Đề án khuyến công và xúc tiến thương mại từ nguồn Chương trình Khuyến công, xúc tiến thương mại của tỉnh và Quốc gia; đồng thời, huyện có thể bố trí ngân sách cho hoạt động khuyến công của huyện theo tinh thần Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND, ngày 25/7/2014 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh; duy trì mô hình các tổ nhóm người dân trồng cà phê và liên kết “bốn bên” do Dự án Viện Mê Kông bàn giao để nâng cao chuỗi giá trị cà phê Khe Sanh; thông báo và vận động doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức.

* Về chỉ đạo các ngành, các lực lượng chức năng cấp tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ giúp huyện trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy:

Thời gian qua các ngành, các lực lượng chức năng cấp tỉnh đã phối hợp tốt với huyện trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy. Đề nghị huyện tiếp tục chủ động phối hợp tốt các cơ quan chức năng để ngăn chặn tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy.

* Về chỉ đạo có giải pháp hữu hiệu tăng cường, tạo thuận lợi trong giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và tuyến Quốc lộ 9:

Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện để tạo thuận lợi trong giao thương qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và tuyến Quốc lộ 9, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch trên địa bàn huyện.

Huyện chủ động phối hợp với Sở Công Thương trong việc chỉ đạo Hội Doanh nghiệp Lao Bảo và các doanh nghiệp, cũng như tuyên truyền cho cư dân biên giới nắm bắt được nội dung Hiệp định Hội nghị Thương mại biên giới Việt Nam - Lào và những văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định; tích cực vận động doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như  Hội nghị kết nối xuất khẩu sản phẩm, các Hội chợ trọng điểm do tỉnh Quảng Trị và các tỉnh của nước bạn Lào tổ chức. Thái Minh

1281 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 538
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 539
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76863710