Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng 

Ngày 21/7/2022, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức tiếp nhận điểm cầu trực tuyến Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị tổ chức tại thủ đô Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII; Trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Giám đốc (Tổng Giám đốc) các doanh nghiệp Nhà nước hạng I, hạng II; Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn; Giám đốc phân viện Đại học Huế tại Quảng Trị; Hiệu trưởng các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh; Các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 21, 22/7 với 4 Nghị quyết chuyên đề về: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII “Vtiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, có sức ảnh hưởng đến hiện tại, tương lai. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn lực đất đai cần được tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Cùng đó là, giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19 đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức liên quan. Theo đó, cần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là nền tảng của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, hộ gia đình, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã.... . Tầm nhìn đến năm 2045: Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Châu Minh

 

545 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 730
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 730
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77219470